Hotline : Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bộ hợp đồng bảo hiểm của khách hàng gồm những giấy tờ gì?

Thứ bẩy, 25-05-2021 | 16:06:00 PM GMT+7 Bản in
Bà Dương Thị Châm là khách hàng của 1 Công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Ngày 6/4/2020 bà có tham gia hợp đồng bảo hiểm “Điểm tựa đầu tư” của Công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, trong hợp đồng giấy của công ty cấp bà không thấy có quy tắc điều khoản đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Theo bà Châm tham khảo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, văn bản quy định pháp luật có liên quan và quy tắc điều khoản sản phẩm Bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ (phiên bản 2) được phê chuẩn theo Công văn số 12200/BTC-QLBH ngày 13/9/2017 của Bộ Tài chính thì bộ hợp đồng bao gồm:

- Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm;

- Đơn yêu cầu bảo hiểm;

- Trang hợp đồng;

- Quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm chính, sản phẩm bảo hiểm bổ trợ (nếu có) đã được Bộ Tài chính phê duyệt;

- Các xác nhận thay đổi hợp đồng;

- Các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng (nếu có).

Bà đã có phản hồi về vấn đề này đến công ty nhưng được trả lời, việc Công ty in bộ hợp đồng giấy cho khách hàng nhưng không bao gồm quy tắc điều khoản đã được Bộ Tài chính có công văn chấp thuận.

Bà Châm hỏi, có đúng là Bộ Tài chính có công văn chấp thuận cho Công ty bảo hiểm chỉ gửi bộ quy tắc điều khoản cho khách hàng bằng file PDF mà hợp đồng giấy không có quy tắc điều khoản hay không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Quy định về hợp đồng bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ “Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Quy định pháp luật về giao dịch điện tử và thông điệp điện tử theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ như sau:

- Khoản 6 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử “Giao dịch điện tử: là giao dịch được thực hiện bằng phương thức điện tử”.

- Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.

- Điều 10 Luật Giao dịch điện tử “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”.

- Điều 12 Luật Giao dịch điện tử “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”.

- Điều 33 Luật Giao dịch điện tử “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.

- Điều 34 Luật Giao dịch điện tử “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

- Khoản 1, Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử, chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính quy định:

“1. Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là giao dịch điện tử giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các loại hoạt động nghiệp vụ: ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã, hải quan, kế toán, quản lý nhà nước về giá, chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ này theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

3. Chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử khi thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; bao gồm chứng từ, báo cáo, hợp đồng, thỏa thuận, thông tin giao dịch, thông tin thực hiện thủ tục hành chính và các loại thông tin, dữ liệu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.

- Điều 6 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP quy định về việc chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử như sau:

“1. Phương thức chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử:

a) Chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc

b) Nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin.

2. Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phản ánh đầy đủ nội dung của chứng từ giấy;

b) Cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức thực hiện (hoặc chịu trách nhiệm về) việc chuyển đổi chứng từ giấy thành chứng từ điện tử ký số trên chứng từ điện tử sau khi được chuyển đổi từ chứng từ giấy hoặc được xác thực bằng một trong các biện pháp xác thực quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Nghị định này.

3. Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty bảo hiểm cung cấp cho khách hàng hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản điện tử thông qua thư điện tử phải tuân thủ quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Bo-hop-dong-bao-hiem-cua-khach-hang-gom-nhung-giay-to-gi/432274.vgp

 
Ý kiến bạn đọc (0)