Hotline : Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2018

Thứ năm, 21-01-2019 | 08:18:00 AM GMT+7 Bản in

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số:  0114/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quý 4 năm 2018, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp

Trong quý 4/2018, VCCI thống kê có 247 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp (tăng 17 kiến nghị, tăng 7,6% so với quý 3/2018). Tình hình giải quyết kiến nghị cụ thể như sau:

Tháng

Số kiến nghị đã tiếp nhận

Số kiến nghị đã giải quyết

Số kiến nghị chưa giải quyết

Ghi chú

10/2018

71

60

11

 

11/2018

97

68

29

 

12/2018

79

13

66

Chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 gửi kèm theo báo cáo

Tổng số

247

141 (đạt 57,1%)

106 ( đạt 42,9%)

 

- Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 4/2018 bao gồm: Bộ Tài chính: 57 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 50 kiến nghị; Bộ Xây dựng; 25 kiến nghị; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 26 kiến nghị; Bộ Công Thương: 14 kiến nghị; Bộ Khoa học và Công nghệ: 9 kiến nghị. Riêng nhóm 6 bộ này nhận được 181 kiến nghị, chiếm 73,3% tổng số kiến nghị trong quý 4/2018. Các bộ ngành, địa phương khác đều nhận được kiến nghị của doanh nghiệp. Một số tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp kiến nghị như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bao gồm một số vấn đề như sau:

- Bộ Tài chính là bộ nhận được nhiều kiến nghị nhất trong quý 4/2018. Nội dung các kiến nghị tập trung vào các vấn đề: Chính sách thuế, cách tính thuế (thuế tài nguyên, VAT, thuế nhập khẩu) chưa hợp lý; thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước; cách tính các chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hạng mục chung, chuyển nhượng dự án… khi quyết toán thuế; giải đáp quy đinh của pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án đầu tư, mở rộng; chính sách ưu đãi khi cổ phần hóa doanh nghiệp; vốn hóa chi phí lãi vay khi thuê đất để xây dựng nhà máy và mua sắm máy móc thiết bị; thủ tục giải thể công ty; miễn giảm tiền thuê đất; hoàn thuế VAT; kê khai thuế điện tử và hóa đơn điện tử… Một số kiến nghị nổi bật, được nhiều doanh nghiệp kiến nghị hoặc đã kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm gồm:

+ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với Doanh nghiệp có giao dịch liên kết khi áp dụng vào thực tế đã bộc lộ một số khó khăn bất cập. Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đánh giá Nghị định còn một số nội dung chưa thống nhất với các Luật đã ban hành (như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp...) có khả năng triệt tiêu động lực của các doanh nghiệp đầu tư và một số lĩnh vực an sinh xã hội đòi hỏi vốn ban đầu cao (như nông nghiệp, y tế...) ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và phân bố nguồn lực của mô hình công ty “mẹ-con” và không phản ánh đúng kết quả sản xuất của doanh nghiệp.

+ Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc kiến nghị Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan xem xét việc ghi rõ căn cứ miễn thuế về hình thức xuất khẩu tại chỗ trong Nghị định số 08/2015/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BTC và xem xét lại giải thích pháp luật với hướng dẫn truy thu thuế theo kể từ ngày 01/9/2016.

+ Công ty Mỏ Nikel Bản Phúc tiếp tục khiếu nại và phản đối với Quyết định số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 về việc ấn định thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu của công ty. Đây là vụ việc đã kéo dài 2 năm và công ty đã kiến nghị, khiếu nại nhiều lần được Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hà Nội trả lời. Tuy nhiên với kết quả giải quyết mới nhất từ Cục Hải quan TP Hà Nội là Quyết định ấn định thu số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 thì công ty vẫn tiếp tục khiếu nại và gửi đơn kêu cứu đi nhiều cơ quan, ban ngành.

+  Mặc dù đã được Tổng cục Hải quan trả lời nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, máy xây dựng tiếp tục kiến nghị cho  rằng việc Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải áp mã HS mới đối với mặt hàng “ Cần trục bánh lốp” chưa hợp lý. Việc áp mã HS mới khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc bị truy thu thuế từ năm 2013 đến nay sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình trạng khó khăn, thậm chí phải phá sản.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 50 kiến nghị trong đó đa số đề nghị giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu. Điều này cho thấy dường như pháp luật về đấu thầu chưa thật sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng. Ngoài ra, còn một số nội dung như: chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp trước năm 2009; miễn giảm tiền thuê đất để thực hiện dự án nông nghiệp; hướng dẫn quy định pháp luật để nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% vốn góp của doanh nghiệp; hoạt động của doanh nghiệp tư nhân sau khi chủ doanh nghiệp chết; việc công nhận doanh nghiệp khu chế xuất; Hướng dẫn các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp…

- Nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đối với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào các vấn đề:  cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ; về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với một số sản phẩm; hợp đồng chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên nổi bật có 2 nội dung doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị kéo dài nhưng việc giải quyết của Bộ vẫn chưa nhận được sự nhất trí của doanh nghiệp:

+ Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An kiến nghị về việc Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN chưa ban hành quyết định hủy bằng ĐQKDCN số 12844 như Công văn số 3273/BKHCN-SHTT ngày 23/10/2018 do Thứ trưởng Phạm Công Tạc ký trả lời Công ty cổ phần thủy sản Nghệ An. Đây là vụ việc đã kéo dài nhiều năm mới có kết quả giải quyết như Công văn số 3273/BKHCN-SHTT đã nêu. Tuy nhiên, doanh nghiệp dù đã liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết.

+ Kiến nghị sửa đổi Thông tư 12/2017 theo hướng giữ nguyên khoản 2d điều 9 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN  với nội dung “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả.”  và phù hợp với các quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung này do 7 Hiệp hội doanh nghiệp về chế biến thực phẩm và nhiều doanh nghiệp kiến nghị. Tuy Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã trả lời, giải thích về quy định mới trong Thông tư 12 nhiều lần nhưng các Hiệp hội và doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục kiến nghị giữ nguyên quy định như Thông tư 16.

- Lĩnh vực lao động tiếp tục có nhiều đề nghị hướng dẫn quy định pháp luật để thực hiện như: giải quyết chính sách với người lao động dôi dư; phương án và chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp; danh mục công việc nặng nhọc, độc hại; chế độ lương phụ cấp của giáo viên mầm non; chi trả tiền trợ cấp thôi việc; giải quyết việc thanh toán trùng chế độ bảo hiểm, xác định thời điểm lao động nữ mang thai để hưởng chế độ, giải quyết chế độ tai nạn lao động liên quan đến thể thao, ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi; thủ tục xin cấp giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài…

- Lĩnh vực xây dựng cũng nhận được nhiều đề nghị hướng dẫn áp dụng pháp luật để thực hiện với các nội dung: các định mức trong xây dựng; các vướng mắc khi ký và thực hiện hợp đồng thi công, khảo sát thiết kế; hướng dẫn việc giao chủ đầu tư thực hiện các dự án nhóm C; thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng; việc ký kết, thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng lao động; ….

- Các hiệp hội doanh nghiệp/doanh nghiệp cũng đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp như: làm rõ dịch vụ môi giới thương mại các hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện khuyến mại tại phòng khám tư nhân; việc thực hiện huấn luyện an toàn hóa chất; vấn đề giấy phép phát điện và giá điện….

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong quý 4/2018, VCCI nhận được 138 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 21 bộ, ngành, địa phương tăng 51% so với quý 3/2018 ( quý 3/2018 nhận được 91 văn bản). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI.

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2018 đến 31/12/2018, còn 161 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Các kiến nghị này thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ: Giao thông Vận tải; Tư pháp; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước; Xây dựng; Công Thương; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND các TP: Hà Nội; Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng và các tỉnh Phú Thọ; Tuyên Quang; Bắc Kạn; Kiên Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Đồng Nai; Bình Thuận; Cà Mau; Thanh Hóa; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Bắc Giang; Bình Phước; Hưng Yên.  (Chi tiết trong Phụ lục 2 và 4 gửi kèm theo báo cáo)

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp

Năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng đây là kết quả của tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 27.126 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 63.525 doanh nghiệp, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 44.730 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và 18.975 doanh nghiệp chờ giải thể. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 của cả nước là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy năm 2018 cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quý 4/2018, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao hoạt động nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như:

- Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng từ ngày 1/1/2018 -  26/12/2018 đã đơn giản, cắt giảm 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 8 Bộ đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11 triệu ngày công/năm tương đương 5.407 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, trong tổng số 18.820 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương có 11.253 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt 98,1%; chưa hoàn thành là 7.567, số nhiệm vụ quá hạn của năm 2018 chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước và giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác được thành lập. Nhiều Bộ, ngành đã có sự chủ động, nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ giao. Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu đã tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc "đẩy" trách nhiệm lên Thủ tướng được khắc phục về cơ bản. Nổi bật là Bộ Y tế tiết kiệm được 7.754.650 ngày công/năm, tương đương 3.107,5 tỉ đồng/năm; Bộ NN-PT-NT ước tính tiết kiệm được 1.800.403 ngày công/năm, tương đương 1.291 tỉ đồng/năm; Bộ GT-VT tiết kiệm được 1.340.000 ngày công/năm, tương đương 660 tỉ đồng/năm...

- Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2141/QĐ-BTC phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính trong đó rà soát cắt giảm 148 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực.

- Ngày 08/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH. Như vậy, cùng với Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đến nay đã có 60 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 56,07%, trong đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ 43%, an toàn lao động 33% và phòng, chống tệ nạn xã hội 22%...

  • Ngày 30.10.2018, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT bao gồm 2 danh mục: Danh mục hàng hóa XNK gắn mã HS là 2.873 dòng hàng; danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng (tỉ lệ cắt giảm trên 76%), góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 4 năm 2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- Đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý 24 dự án, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản dưới luật, chính sách khác của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nổi bật như: Luật chứng khoán sửa đổi; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP về thuế tiêu thụ đặc biệt;  Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cạnh tranh; Nghị định về sổ tạm quản ATA; Nghị định sửa đổi Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành; Nghị định về đầu tư và kinh doanh sân golf; Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính trong quản lý ngoại hối; Quyết định thay thế Quyết định 15/2017/QĐ-TTg về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn….

- Chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận, đề xuất và rà soát các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển góp phần tích cực vào quá trình cải thiện chất lượng của hệ thống thể chế và kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất quốc gia”. Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI đã đưa ra một số đề xuất chính sách cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện các đề xuất chính sách này là một cuộc tái cấu trúc cơ bản mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải xây dựng một hệ thống hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, khuyến nghị từ các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp về đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên phương diện năng suất. Các ý kiến được VCCI tiếp thu, tổng hợp trong quá trình thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, thuộc khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, lĩnh vực nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 của Hội đồng Lý luận Trung ương.

+ Phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kỳ cuối năm 2018 (VBF) với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu”. Diễn đàn tập trung vào các nội dung thảo luận chính gồm: nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại và khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp. Tại cuộc họp này, 70 nhóm vấn đề đã được các hiệp hội, nhóm công tác của VBF 2018 gửi tới các bộ, ngành. Các đề xuất này được kỳ vọng đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

+ Phối hợp với Hội Việt Nam học Hàn Quốc tổ chức Hội thảo khoa học thường niên “Tinh thần dân tộc và sự đấu tranh chống các thế lực thù địch bên ngoài của Việt Nam” tại Nhà Quốc hội Hàn Quốc. Tại Hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý đã đưa ra những phân tích khoa học, khẳng định tính chính nghĩa, sự kiên cường và nhân văn trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

+ Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp trung ương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố Báo cáo Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và địa phương năm 2017 với sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch VCCI. Báo cáo về Chỉ số phát triển doanh nghiệp là báo cáo quan trọng và được xem là báo cáo chính thức của Chính phủ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là báo cáo gốc, để dẫn các số liệu, thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2017. Báo cáo  đã đề cập đến nhiều vấn đề như: số lượng doanh nghiệp, phân theo ngành, địa phương, hiệu quả của doanh nghiệp… Báo cáo sẽ được xây dựng và công bố hàng năm.

+ Tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp. Báo cáo được xây dựng từ góc nhìn của các doanh nghiệp, với tư cách người thụ hưởng, phản ánh về hiệu quả mà các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ được giao. Báo cáo đã nhận xét một số lĩnh vực ghi nhận mức độ cải cách đáng kể được doanh nghiệp đón nhận như tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, điện tử hoá thủ tục thuế… Các lĩnh vực khác đa phần đều có những cải cách và thay đổi nhất định nhưng Báo cáo vẫn khẳng định không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ ngành và địa phương. Báo cáo đồng thời đề cập đến nhiều kiến nghị cụ thể từ phía doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Tổ chức Hội nghị Người sử dụng lao động năm 2018 với chủ đề “Hợp tác doanh nghiệp và nhà nước trong đào tạo và tuyển dụng”. Tại Hội nghị, các diễn giả khẳng định sự nhất trí với quan điểm nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Thực trạng kết nối giữa các cơ sở đào tạo, nhà trường với doanh nghiệp ở Việt Nam còn khá hình thức, dẫn tới chất lượng nguồn lao động được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

+ Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan năm 2018 tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Các hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham dự của gần 1000 doanh nghiệp trong cả nước. Bên cạnh việc giới thiệu, cập nhật các chính sách mới của ngành Thuế và Hải quan, Hội nghị dành nhiều thời gian để đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và doanh nghiệp đối thoại, giải đáp các vướng mắc về thuế và hải quan của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

+ Hệ thống cơ quan VCCI trên cả nước còn tổ chức nhiều sự kiện  như: Tổ chức Diễn đàn “Bảo vệ môi trường vì sự  phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng” tại Hà Nội; Hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Triển vọng và rủi ro đối với doanh nghiệp XNK” tại Vũng Tàu; Toạ đàm lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động tại Vĩnh Phúc; Hội thảo tập hợp ý kiến doanh nghiệp và rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sửa đổi; phối hợp với Facebook tổ chức Hội thảo “Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp”; Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy định nguyên tắc và đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Tọa đàm về cải cách hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp tại Hải Phòng; Hội thảo góp ý giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam; Tọa đàm lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

- Tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh.

+ VCCI đã triển khai nhiều hoạt động hậu công bố PCI như: chuẩn bị và cung cấp thông tin phân tích PCI tới lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ… phục vụ chương trình làm việc tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Hòa Bình; tham gia giảng dạy Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025 do Tỉnh ủy An Giang tổ chức; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Trị năm 2018; Phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân” dành cho đại biểu HĐND khu vực phía Nam; Tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân” dành cho đại biểu HĐND khu vực phía Bắc. Hội nghị tổ chức tại Thái Nguyên vào ngày 22/11/2018; Tổ chức khóa đào tạo dành cho các hiệp hội doanh nghiệp về sử dụng, khai thác dữ liệu PCI tại Cần Thơ; Tổ chức khoá đào tạo PCI cho các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI về hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập, xây dựng pháp luật, ứng dụng vào công tác hỗ trợ pháp lý và thiết kế hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình nền kinh tế tuần hoàn.

+ Ký thỏa thuận giữa UNDP và Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SdforB) tài trợ cho Đề án 12 về việc thực hiện sáng kiến liêm chính giữa doanh nghiệp và chính phủ (giai đoạn tháng 9/2018 – 03/2019); xác định và mời các công ty tư vấn trong nước lập đề xuất kỹ thuật, tài chính cung cấp dịch vụ nghiên cứu và xây dựng tài liệu đào tạo cho dự án; cập nhật thông tin trang web www.kdlc.vn. 

+ Triển khai Nghiên cứu đánh giá “Thực trạng tình hình hoạt động kiểm soát nội bộ và áp dụng quy tắc ứng xử trong kinh doanh và các khuyến nghị chính cho Việt Nam” tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tổ chức Hội nghị “Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37001:2018 - Hệ thống quản lý chống hối lộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng” tại TP. Hồ Chí Minh.

+ Phối hợp với Heineken Việt Nam tổ chức tập huấn về Kinh tế tuần hoàn tại TP. Hồ Chí Minh; triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam triển khai một số nghiên cứu chuyên đề.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp tổ chức các hoạt động và tham gia của lãnh đạo VCCI vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư và thúc đẩy hội nhập quốc tế ở cấp quốc gia như:

+ Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, dự Hội nghị cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Ðan Mạch, làm việc với Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 14 – 21/10/2018. Trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng và phối hợp với các đối tác tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư quan trọng tại thị trường châu Âu bao gồm: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Áo với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng gần 400 doanh nghiệp hai nước;  Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – EU và Bỉ với sự tham dự của 250 doanh nghiệp Bỉ, Việt Nam và các nước trong khối EU như Pháp, Ai-len, Đức, Hà Lan quan tâm tham dự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Bỉ – Việt Andries Gryffoy đồng chủ trì Diễn đàn; Tọa đàm bàn tròn cấp cao doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch với sự tham dự của 3 tập đoàn lớn của Việt Nam và 12 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng hợp tác tại thị trường Việt NamNhân dịp này,VCCI đã ký Thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch về việc tăng cường hiệu quả hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Nhằm mục đích vận động giới nghị sỹ, cộng đồng doanh nghiệp và đối tác của VCCI thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ tịch VCCI đã chủ động có các buổi tiếp xúc, làm việc một số quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu như nhóm Nghị sỹ Hạ viện và Thượng viện Áo; Ủy ban Kinh tế, Năng lượng và Công nghiệp Áo, Thủ hiến vùng nói tiếng Pháp (Wallonia) và Văn phòng Thủ hiến vùng nói tiếng Hà Lan (Flanders) của Bỉ, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế - Nghị viện châu Âu.

+ Chủ tịch VCCI tham gia đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, Nhật Bản trong thời gian từ ngày 9-10/10/2018. Theo phân công của Thủ tướng, Chủ tịch VCCI đã tham dự Diễn đàn đầu tư Mê Kông - Nhật Bản do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) chủ trì, trao đổi và ký thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Nippon Keidanren về việc phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh châu Á năm 2019 tại Việt Nam. Đồng thời, trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (SMRJ) và Liên đoàn các Phòng Thương mại Kyusyu nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong quá trình hợp tác, phát triển kinh doanh tại Việt Nam và Nhật Bản, trước mắt thực hiện hai chương trình kết nối doanh nghiệp cho ngành phụ tùng ô tô và  thiết bị y tế vào tháng 1/2019.

+ Trong khuôn khổ chuyến đi từ ngày 16-18/11/2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea, Chủ tịch ABAC Việt Nam Vũ Tiến Lộc tham dự cùng Thủ tướng  trong phiên Đối thoại của lãnh đạo APEC với các thành viên ABAC. Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam phê chuẩn CPTPP với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sẽ sớm xây dựng chương trình hành động, đẩy nhanh quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật và tuyên truyền, phổ biến để thực thi hiệu quả CPTPP, tận dụng tối đa các cơ hội cho sự phát triển đất nước và cho doanh nghiệp. Nhân dịp này, VCCI phối hợp với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ và các Bộ, ngành liên quan đã bố trí cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và đoàn 17 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ các hoạt động APEC, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc với tư cách đồng Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và Chủ tịch ABAC Việt Nam đã đồng chủ trì kỳ họp ABAC 4 từ ngày 13-15/11/2018 tại Port Morseby, Papua New Guinea. Tại kỳ họp, Chủ tịch ABAC Việt Nam đã được các thành viên Hội đồng nhất trí cử giữ chức đồng Chủ tịch Nhóm chuyên trách về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và khởi nghiệp của ABAC. Bên cạnh đó, đoàn ABAC Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2018 (16-17/11/2018), nắm bắt các xu thế phát triển trong APEC, kêu gọi sự ủng hộ của các tập đoàn lớn nhằm thu hút FDI vào Việt Nam.

+  Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G): Căn cứ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thông qua kết quả hợp tác kinh doanh với các đối tác Đan Mạch, với tư cách là một trong những thành viên của P4G tại Việt Nam, VCCI đã lựa chọn 30 lãnh đạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch, thương mại đầu tư, công nghệ cao tham dự Diễn đàn được tổ chức tại Thủ đô Copenhaghen, Đan Mạch. Các doanh nghiệp tham dự sự kiện, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các đối tác Đan Mạch và các quốc gia châu Âu, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất, xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo doanh nghiệp trong đó có nhiều hoạt động nổi bật như:

+ VCCI đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ấn Độ, với sự tham dự và đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Tổng thống Ấn Độ và gần 200 doanh nghiệp hai nước. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, VCCI đã ký Thoả thuận hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.

+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn xúc tiến kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Tham dự và chủ trì sự kiện có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch VCCI và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

+ Ngày 20/11/2018, VCCI đã phối hợp tổ chức Lễ Phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Nhân dịp này, Tập đoàn Vingroup đã giới thiệu và ra mắt xe thương hiệu VinFast. Sự kiện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Bộ ngành trung ương và địa phương tới dự. Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu thị trường để chinh phục gần 100 triệu dân với những sản phẩm tốt, để phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ và hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua.

+ Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến hoạt động nhân đạo năm 2018. Với chủ đề “Phát huy trách nhiệm xã hội và viện trợ nhân đạo của các tổ chức, doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Tại hội nghị, VCCI cùng 12 đơn vị, tổ chức đã ký kết Chương trình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo.

+ Phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các đối tác tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong. Diễn đàn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tham dự Diễn đàn có hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan các cơ quan chính phủ và địa phương của hai nước, lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh (JNTO) và 120 CEO đến từ Nhật Bản bcùng  hơn 30 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

+ Tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về xây dựng chiến lược tiếp cận tín dụng hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị tài chính tại thị trường Ý, Áo và Séc (2-12/2018); khảo sát cơ hội kinh doanh tại thị trường Australia & New Zealand, Đài Loan (13-19/10/2018); tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm xe đạp, xe máy điện lần thứ 3 tại Nam Ninh, Trung Quốc …...

+ Các đơn vị thuộc hệ thống VCCI đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại khác như: Doanh nghiệp Việt Nam – Hy Lạp; Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Tăng cường liên kết của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu”; Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Belarus; Hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông;  Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha, Toạ đàm gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Tọa đàm gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga, Tọa đàm giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ngành nước, Tọa đàm giao lưu doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)…

+ Tổ chức được khoảng 125 khóa đào tạo trên phạm vi cả nước cho khoảng hơn 5.726 lượt cán bộ doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

- Nhân dịp kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCI tổ chức chuỗi hoạt động tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước:

+ Hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.

+ Tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018. Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện các Sở, Ban ngành trong khu vực Duyên hải phía Bắc. Buổi lễ đã tôn vinh 30 doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018; truy tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho doanh nhân Bạch Thái Bưởi - "Vua tàu thủy Việt Nam".

+ Tổ chức Lễ tôn vinh “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”; “Doanh nghiệp phát triển bền vững ĐBSCL”; “Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL năm 2018” và “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL năm 2018”. Tại sự kiện, đã có 131 doanh nghiệp, doanh nhân từ 13 tỉnh/thành ĐBSCL được vinh danh, trong đó, có 35 doanh nghiệp đạt danh hiệu phát triển bền vững, 28 doanh nhân đạt danh hiệu doanh nhân vì cộng đồng; 29 doanh nhân được tăng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và 39 doanh nghiệp được tặng danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2018.

+ Tổ chức Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018, có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng nhiều đại diện nhiều bộ, ngành trung ương, địa phương và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình đã vinh danh 100 doanh nghiệp bền vững năm 2018 được chọn lọc từ hồ sơ của 500 doanh nghiệp tham dự.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Giao thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ nội vụ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của Ngân hàng nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2018 của UBND tỉnh Quoảng Ninh (Tải về)

Ý kiến bạn đọc (0)