7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sắp được trả giấy phép

7 doanh nghiệp bị tước giấy phép không ảnh hưởng đến nguồn cung

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, vừa qua, Tổng cục đã chủ trì đoàn thanh tra 23 doanh nghiệp đầu mối và tước giấy phép kinh doanh 7 đơn vị. Đến nay, 4 doanh nghiệp đã được trả giấy phép xuất nhập khẩu.

Đến ngày 29.8 sẽ hoàn thành trả giấy phép cho 5/7 doanh nghiệp và ngày 14.9 sẽ tiếp tục trả lại giấy phép cho 2 doanh nghiệp còn lại.

Những doanh nghiệp đầu mối này bị tước giấy phép 1,5-2 tháng do thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu như cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...

Theo Bộ trưởng Công Thương, việc rút giấy phép xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Ảnh: Ngọc Lê
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, việc rút giấy phép xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Ảnh: Ngọc Lê 

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về việc một số đơn vị kinh doanh xăng dầu bị tạm tước giấy phép kinh doanh, điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương - cho rằng, số lượng nhập khẩu xăng dầu của những doanh nghiệp này không lớn, chỉ 20-28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp nhập khẩu.

"Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định cũng không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước", ông nhấn mạnh.

Do đó, người đứng đầu ngành Công thương cho rằng, lấy lý do thiếu nguồn cung vì một số doanh nghiệp bị rút giấy phép này là hoàn toàn sai sự thật.

Trong kinh doanh, có lúc lỗ, lúc lãi

Phản ánh tới Lao Động, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho hay, mức chiết khấu (tiền hoa hồng) từ các doanh nghiệp đầu mối đang ở mức rất thấp, thậm chí, doanh nghiệp phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải bù lỗ để có hàng bán cho người dân.

Chủ một cửa hàng xăng dầu ở La Khê (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện nay, chiết khấu xăng RON 95, E5 và dầu DO về 0, cộng thêm các chi phí định mức, chi phí vận chuyển, doanh nghiệp hiện đang lỗ khoảng 300 đồng mỗi lít. Mỗi ngày bán ra hàng nghìn lít xăng, nhưng càng bán nhiều, doanh nghiệp càng lỗ.

Theo người này, nguồn cung xăng dầu thời gian qua có nhiều bất cập. Tình trạng khan hàng vẫn diễn ra. Để đảm bảo thông suốt nguồn cung, ông tìm nguồn khác thay thế nhưng sẽ phải chấp nhận lỗ khoảng 100 đồng mỗi lít trên giá và thêm 200 đồng tiền vận chuyển để có hàng bán.

Về việc nhiều doanh nghiệp "than" lỗ khi kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt câu hỏi: "Lúc giá lên cao thì tại sao không thấy doanh nghiệp nào đề xuất đến chuyện chiết khấu mà hệ thống bán buôn, bán lẻ của chúng ta vẫn ổn định. Đến bây giờ giá thấp xuống thì lại đề cập vấn đề này...".

Theo ông, doanh nghiệp đã tự nguyện xin được trở thành đơn vị có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu thì phải chấp nhận rủi ro nếu có.

Doanh nghiệp được hưởng lợi thì khi khó khăn cũng phải chấp nhận và chia sẻ rủi ro. Trong kinh doanh thì có lúc lỗ, lúc lãi, lúc nào cũng muốn lãi nhiều thì ai chịu lỗ.

Để ổn định thị trường, tránh những thông tin không đúng về tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; 

Yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục. 

Trường hợp các doanh nghiệp không tuân thủ quy định, Bộ Công thương sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng, dầu cho thị trường.

 

Theo Anh Tuấn (Báo Lao động)

https://laodong.vn/kinh-doanh/7-doanh-nghiep-dau-moi-xang-dau-sap-duoc-tra-giay-phep-1086130.ldo