10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, dư địa kiểm soát lạm phát không còn nhiều

10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, dư địa kiểm soát lạm phát không còn nhiều

10/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, dư địa kiểm soát lạm phát không còn nhiều

Thông tin về các yếu tố gây áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cho rằng hiện còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, do biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất.

Cùng với đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.

Ngoài ra, cũng theo bộ này, trong nửa cuối năm, khi các gói trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ, để ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính cho biết thêm nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Cũng trong thông báo này, Bộ Tài chính cũng phản hồi về hàng loạt ý kiến băn khoăn chỉ số lạm phát của Việt Nam chưa sát so với giá thực tế một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu tăng trên thị trường trong thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) được sử dụng làm thước đo lạm phát của nền kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Quốc hội và Chính phủ theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc điều tra, tính toán và công bố thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước đó, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn, cụ thể ở 4 vấn đề sau: Thứ nhất, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất; đặc biệt là giá xăng dầu; Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm; Thứ ba, cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao; Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước. Theo bà Oanh, nếu không có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như đề ra sẽ trở nên rất thách thức.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, hiện nay, lạm phát của kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp. Trong đó, đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm.

Bộ Công Thương và các địa phương cần tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá của mặt hàng này.

Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.

Về tổng thể, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.