Nhìn nhận lại cách quản lý tài chính cá nhân giữa lúc TTCK lao dốc

Nhìn nhận lại cách quản lý tài chính cá nhân giữa lúc TTCK lao dốc

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư phải nhìn nhận lại cách quản lý tài chính cá nhân

Sai lầm khi đầu tư bằng tiền tiết kiệm

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa với hàng loạt kỷ lục về giá, thanh khoản cũng như số lượng tài khoản mở mới được thiết lập. Thị trường đón chào sự gia nhập của hàng trăm nghìn nhà đầu tư “F0” và dường như “cứ mua là thắng”.

Trước sự thăng hoa này, không ít nhà đầu tư đã dùng nguồn tiền nhàn rỗi để “tập tành” đầu tư chứng khoán. Trong giai đoạn thị trường đi lên (uptrend), cứ mua là thắng, nhà đầu tư đẩy mạnh việc sử dụng đòn bẩy cho vay ký quỹ (margin) khiến nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình trạng kịch hạn mức margin và phải tăng vốn điều lệ để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Như vậy, không chỉ tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư còn mạnh tay sử dụng tiền đi vay để đầu tư chứng khoán.

Bước vào năm 2022, sau quý I ảm đạm khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý xung quanh lùm xùm liên quan đến việc thao túng chứng khoán, đến tháng 4 vừa qua, thị trường đã diễn ra tình trạng bán tháo. Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư lan rộng trong tháng 5 và dự báo không mấy khả quan trong tháng 6. Trên các diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư than vãn, kêu gọi sự đồng cảm khi tài khoản âm đến hàng chục phần trăm. Thậm chí đâu đó còn xuất hiện những thông tin đau lòng được cho là liên quan đến việc đầu tư chứng khoán, tiền số…

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân thận trọng trong giai đoạn này và nên chuyển hướng sang đầu tư dài hạn.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập (Founder) của FinPeace, cho rằng rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư là đem tiền tích luỹ đi đầu tư vào chứng khoán hay bất kỳ loại tài sản nào có tính biến động cao. Vị chuyên gia này cho rằng, nhiều nhà đầu tư nghe được thông tin qua phương tiện truyền thông đại chúng hay qua bạn bè về việc đầu tư chứng khoán lợi nhuận cao, liền đem hết tiền đi đầu tư mà không chuẩn bị kiến thức về tài sản mà mình đang rót tiền. Với việc ném một số tiền lớn vào một tài sản có tính biến động cao, khi thị trường giảm, tài khoản “đỏ”, tâm lý bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nặng nề hơn các nhà đầu tư lâu năm trong thị trường, vô tình dẫn đến tình trạng bán tháo.

Các nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chuyên nghiệp, với kiến thức được trang bị, khi thị trường đi xuống (downtrend), họ vẫn còn niềm tin về việc không có khả năng mất hết tài sản, nhờ đó giữ được tâm lý vững vàng, không hoảng loạn.

Thay vì sử dụng tiền tích luỹ, tiết kiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng nhà đầu tư nên sử dụng dòng tiền đều đặn cho việc đầu tư để hạ thấp mức rủi ro. Theo vị chuyên gia này, cần phân biệt khái niệm “dòng tiền” và “tiền tích luỹ”, vốn hay bị nhầm lẫn. Theo đó, dòng tiền là số tiền kiếm được đều đặn mỗi tháng bằng sức lao động, còn tiền tiết kiệm bản chất là tài sản của mỗi người đã tích luỹ được từ trước, thường có giá trị lớn và không nên “ném cục tiền” này vào thị trường mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Định vị lại khái niệm về quản lý tài chính cá nhân

Từ câu chuyện mang hết tiền tiết kiệm đi đầu tư chứng khoán và thu về trái đắng, không ít nhà đầu tư đã nhìn lại cách quản lý tài chính cá nhân của mình.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, quản lý tài chính cá nhân không phải chỉ nhằm gia tăng tài sản. Gốc gác của quản lý tài chính cá nhân là khát khao và ý thức tạo ra giá trị cho cuộc sống. Mục đích của quản lý tài chính cá nhân là tối ưu hoá chất lượng cuộc sống, trong đó chuẩn mực cuộc sống của mỗi người là khác nhau.

Để bắt đầu quản lý tài chính cá nhân, trước hết phải lo được cho nhu cầu tối thiểu của bản thân, tiếp đó là lo được cho những người phụ thuộc vào mình (người thân, gia đình), sau cùng chính là tự do tài chính - có vừa đủ tài chính để phục vụ cho những sở thích cá nhân.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh nêu 3 góc nhìn về tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân. Thứ nhất, ở trong một thế giới mà theo ông Tuấn Anh là đang vận hành dựa trên cơ sở vật chất, việc số hoá, lượng hoá luật chơi trong thế giới này biểu hiện giá trị của người chơi. Cụ thể, đó là doanh thu hay thu nhập của một người khi được lượng hoá thành một con số nhất định biểu hiện giá trị tồn tại của người đó. Ngược lại, một người không lao động, doanh thu và thu nhập bằng 0 tức là họ đang không tạo ra giá trị cho xã hội.

Ở góc nhìn thứ hai, khi thu nhập thấp hơn chi tiêu tức là giá trị đóng góp cho xã hội đang thấp hơn giá trị nhận lại từ xã hội, đồng nghĩa với việc dòng tiền đang ở giá trị âm. Tài chính cá nhân trong trường hợp này sẽ thuyết phục mọi người nên tiết kiệm và đóng góp cho xã hội hơn là chỉ nhận về.

Ở góc nhìn thứ ba, theo Founder FinPeace, việc một người chuẩn bị sẵn sàng về tài sản để trong mọi trường hợp có thể bảo vệ chính mình và không cần sự giúp đỡ của người khác là thể hiện trách nhiệm với bản thân cũng như với xã hội.

Không thể học theo mô hình của nước ngoài

Khi tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân, không ít người đã áp dụng theo mô hình 50-20-30. Cụ thể là phân bổ thu nhập 50% cho nhu cầu cần thiết, 20% cho tích lũy, đầu tư và 30% cho nhu cầu cá nhân. Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh đã bày tỏ sự không đồng tình với mô hình này. Theo đó, mô hình 50-20-30 xuất phát từ phương Tây, trên cơ sở thu nhập bình quân giữa các nghề khác nhau là tương đối phẳng, có sự tương đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân ở Việt Nam giữa các nghề và độ tuổi lại rất khác nhau.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, để phân bổ thu nhập hàng tháng thì xuất phát điểm là phải xác định khoản chi tiêu tối thiểu một tháng để tồn tại của mỗi người, bao gồm tiền ăn, tiền ở, quần áo, đi lại tối thiểu… Khoản chi tiêu này phải được xác định bằng con số tuyệt đối (đối với mỗi cá nhân là một số tuyệt đối khác nhau). Sau khi trừ đi khoản này, phần còn lại của thu nhập mới tiếp tục được tính toán và phân bổ vào các nhu cầu khác.

Tiếp đó, để quản lý tài chính cá nhân đạt mức sinh lời cao đồng thời hạn chế rủi ro, chuyên gia cho rằng phải quy hoạch thành những phần tiền riêng biệt, bao gồm phần sẵn sàng chịu rủi ro cao và phần không sẵn sàng chịu rủi ro cao. Đối với phần tiền để dành cho bảo vệ cuộc sống, cụ thể là quỹ dự phòng rủi ro, quỹ hưu trí, quỹ bảo vệ sức khoẻ,… đòi hỏi sự an toàn cao và ổn định, thường được đầu tư với lợi nhuận thấp và rủi ro thấp.

Đối với phần tiền thứ hai là tiền tích luỹ định kỳ dành cho những mục đích không thiết yếu như du lịch, giải trí…, chuyên gia cho rằng nên đầu tư vào tài khoản sinh lời như chứng khoán, với mức lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao. Như ban đầu đã đề cập, đây không phải khoản tiết kiệm từ trước với giá trị lớn mà là dòng tiền tích luỹ hàng tháng dự kiến cho mục đích trong tương lai. Khi đầu tư vào chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định, số tiền mà nhà đầu tư kỳ vọng tích luỹ được có thể đạt được sớm hơn nếu thị trường “uptrend” hoặc lâu hơn nếu thị trường “downtrend”, nhưng mức ảnh hưởng đến nhà đầu tư là không lớn vì mục đích dòng tiền không phải là thiết yếu.

Chuyên gia cho rằng sai lầm diễn ra khi đặt sai vị trí của các phần tiền vào các khoản đầu tư. Để tối thiểu rủi ro và mang về lợi nhuận cao, nhà đầu tư cần hiểu mục đích của khoản đầu tư.