VCCI với môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc

Tháng 4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký “Thỏa thuận hợp tác” giai đoạn 2016-2020, thống nhất các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và một số nội dung phối hợp giữa hai bên; Cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Vĩnh Phúc là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp (Ảnh: Kim Dung)

Bước chuyển mình mạnh mẽ từ công nghiệp

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, sau 25 năm tái lập tỉnh (1997-2022), Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc và gia nhập danh sách các địa phương đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Vĩnh Phúc đang hướng đến thu hút có chọn lọc những dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều hơn những lao động đã qua đào tạo, những dự án "xanh", trong đó, khu vực FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh.

Đặc biệt, kể từ năm 2016, Vĩnh Phúc đã chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu; chủ trương ưu tiên thu hút các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, hướng tới giải quyết việc làm cho lao động trình độ cao. Đồng thời, kiên quyết “sàng lọc” những dự án có năng lực kém, sử dụng nhiều tài nguyên đất, có tác động xấu đến môi trường.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đạt 3,18 tỷ USD vốn FDI và gần 60 nghìn tỷ đồng vốn DDI, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, cao hơn tốc độ tăng của cả nước.

Tính đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được chấp thuận chủ trương quy hoạch, trong đó, 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773 ha. Có 8 KCN đã đi vào hoạt động là Khai Quang (216,24ha), Bình Xuyên (286,98ha), Kim Hoa (50ha), Bá Thiện (325,75ha), Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21ha), Bá Thiện II (308,83ha), Tam Dương II - khu A (135,17ha), Thăng Long Vĩnh Phúc (213ha).

Ngoài ra, 6 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư gồm: Sông Lô II, Tam Dương I - KV2, Sông Lô I, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1).

Đã có những mô hình KCN được các nhà đầu tư đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế như KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Nhật Bản) và KCN Bá Thiện II (Singapore). Cùng với đó, 17 CCN đã được hình thành với tổng diện tích 358,039 ha.

Đáng chú ý, theo công bố mới đây của VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Vĩnh Phúc tăng 24 bậc, vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Đây chính là minh chứng rõ nét, khẳng định hiệu quả trong định hướng thu hút và lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua.

Tại Lễ công bố PCI năm 2021, Vĩnh Phúc được 69,69/100 điểm, đứng thứ 5 toàn quốc nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, cải cách TTHC và tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp (Trong ảnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận Kỷ niệm chương của VCCI trao tặng - Ảnh: Vũ Phường)

Vai trò cầu nối của HHDN tỉnh Vĩnh Phúc

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 và Cam kết giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, HHDN tỉnh Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng, là cầu nối để triển khai thực hiện.

Bà Phạm Thị Hồng Thuỷ, Chủ tịch HHDN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với Văn Phòng VCCI và các Ban chuyên môn của VCCI xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể để triển khai các nội dung theo Cam kết và Thỏa thuận hợp tác nêu trên.

Theo đó, tháng 01/2018, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện, HHDN và Văn phòng VCCI đã ký “Chương trình phối hợp” có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Chủ tịch VCCI. Trong 2 năm 2018-2019, HHDN đã ký phối hợp với một số sở, ngành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; ký “Chương trình hợp tác” với Văn Phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thông qua việc tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bà Phạm Thị Hồng Thuỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Vũ Phường)

Hàng năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện báo cáo tổng kết các hoạt động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh Vĩnh Phúc, các Ban của VCCI, xây dựng kế hoạch, chương trình cho năm tiếp theo với các nội dung đã ký kết.

VCCI có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nghiên cứu, khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh; tư vấn cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư của tỉnh.

Thông qua các hội nghị, hội thảo do VCCI tổ chức hàng năm tại Vĩnh Phúc, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát và tư vấn cho Vĩnh Phúc những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Nhiều cơ quan đại sứ và tham tán thương mại nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam đã đến làm việc với UBND tỉnh, tìm hiểu cơ hội, môi trường đầu tư nơi đây.

Bên cạnh đó, VCCI đã phối hợp, hỗ trợ đánh giá, phân tích kết quả điều tra PCI của tỉnh và các cuộc điều tra khác về môi trường kinh doanh; từ đó, có những nhận xét, phân tích chuyên sâu về một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp quan tâm; qua đó, giúp tỉnh Vĩnh Phúc nhận biết những điểm mạnh, những hạn chế để có những giải pháp khắc phục. Mỗi năm, sau khi VCCI công bố kết quả PCI, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; phấn đấu đứng trong nhóm các tỉnh có năng lực điều hành kinh tế tốt.

Thông qua HHDN, VCCI đã tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ Vĩnh Phúc điều tra, khảo sát các sở, ngành, huyện, thị về tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp (DDCI), qua đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố thấy được những ưu điểm, hạn chế của mình, từ đó đề ra những giải pháp tích cực trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu phục vụ doanh nghiệp được tốt nhất, tạo lập niềm tin đối với doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện và nâng cao.

VCCI phối hợp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo nâng cao chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhẳm thúc đẩy nâng cao chỉ số PCI; tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19; thực hiện tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng kinh tế, triển vọng phát triển thương mại, đầu tư, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc trên website của VCCI và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Gần đây, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã được ký kết, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Thông qua VCCI, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thấy được những thuận lợi, khó khăn mà FTA mang lại; từ đó, giúp doanh nghiệp có những giải pháp để tận dụng lợi thế, hạn chế khó khăn, bấp cập, phát triển sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về đào tạo lao động chất lượng cao, “Chương trình phối hợp” giữa HHDN và Văn phòng Giới sử dụng lao động bước đầu hoạt động có hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng lao động có chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, HHDN cũng nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng lao động trong doanh nghiệp để có thông tin trao đổi với các cơ quan QLNN, các CLB hoạt động tích cực hiệu quả hơn.

Diễn đàn Định hướng nghề nghiệp và chính sách tuyển dụng do HHDN tỉnh Vĩnh Phúc và Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) tổ chức năm 2020

VCCI đã hỗ trợ Vĩnh Phúc triển khai một số hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư lớn tại Vĩnh Phúc, như: Hội nghị xúc tiến đầu tư nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (2016); ký kết Biên bản ghi nhớ giữa HHDN tỉnh Vĩnh Phúc với Hiệp hội đổi mới doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (năm 2018),…

Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc tổ chức nhiều lớp đào tạo về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy và tạo lập niềm tin trong tầng lớp thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp. Từ đó đã có một số thanh niên khởi nghiệp thành công.

Mặc dù còn một số hạn chế nhất định trong quá trình hợp tác, song, bà Phạm Thị Hồng Thuỷ cho rằng, thời gian tới đây, VCCI sẽ tiếp tục là đầu mối quan trọng để quảng bá và giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc; hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị QLNN tỉnh Vĩnh Phúc về việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN để tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI; tư vấn, hỗ trợ HHDN trong việc khảo sát mức độ hài lòng của DN về năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để VCCI triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo và tạo điều kiện để các sở, ngành, HHDN tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã ký kết.

Theo Quang Trung (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/vcci-voi-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-tinh-vinh-phuc-222606.html