Doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, rau quả lo lắng về tiêu chuẩn khắt khe của EU

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam” (gọi tắt SFV-Export).


Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam” (gọi tắt SFV-Export).

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam khi thuế nhập khẩu được bãi bỏ với hầu hết các mặt hàng, tạo lợi thế vượt trội về giá bán. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 là 855 triệu Eur, tăng 8% so với năm 2019. Dù cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU rất lớn, ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam hiện chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU.

Theo các chuyên gia, thách thức đối với các doanh nghiệp gia vị, rau quả khi muốn xuất khẩu sang EU có thể kể đến các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường và kênh tiếp cận khách hàng EU.


Nhiều doanh nghiệp lo lắng về các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhận diện thương hiệu các mặt hàng gia vị, rau quả tại Việt Nam tại thị trường EU chưa đủ sức cạnh tranh. Năng lực, tiếng nói chung của ngành hàng chưa mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong Hiệp định EVFTA nhấn mạnh, ngành rau quả, gia vị thuộc Top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU.


Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong Hiệp định EVFTA.

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành rau quả, gia vị cần quan tâm cải thiện thực hành bền vững để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định nếu muốn xuất khẩu sang EU và hưởng lợi từ EVFTA.

Bà Lan Anh cũng cho rằng cần phải quan tâm tới những nội dung về môi trường, về con người đảm bảo phát triển bền vững. “Đây là nội dung khi chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp đã tiếp cận và làm quen qua nhiều chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, tuy nhiên với mảng lĩnh vực nông nghiệp mà đối tượng là người nông dân thì rất mới, làm sao để chúng ta sản xuất nông nghiệp văn minh hơn”, Tổng thư ký VCCI lưu ý. 


Nhiều doanh nghiệp cho biết rau gia vị khó xác định mã số vùng trồng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết rau gia vị khó xác định mã số vùng trồng. “Bởi đây là cây trồng ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nên doanh nghiệp khó có một vùng trồng ổn định mà phải thu gom từ nhiều vùng. Do đó, yêu cầu của thị trường EU về xác định mã số vùng trồng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, một doanh nghiệp chia sẻ.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chúng ta đang gặp khó khi đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường EU.


Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

“Trong đó có thể kể tới các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm và phân bón tồn dư trong sản phẩm là yếu tố khó nhất với việc xuất khẩu sản phẩm. Với bộ tiêu chí nào thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đáp ứng, tuy nhiên, khi doanh nghiệp chúng tôi mang đi xuất khẩu, xét nghiệm có tới 800 chất nằm trong các bộ tiêu chí này. Trong đó, có một số chất lặp đi lặp lại ở các mẫu nông sản Việt khi mang đi đo lường kiểm tra. Mà phía EU lại yêu cầu chỉ số tiêu chí chỉ ở mức 0,01 thậm chí là  0. Do đó yêu cầu là phải thay đổi ngay từ quá trình canh tác của người nông dân, có vậy doanh nghiệp mới tiêu thụ sản phẩm giúp bà con được”, , Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hiệp định EVFTA cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm (IFS, BRC), thực hành bền vững (PGS, FAIRTRADE), thực hành kỹ thuật khác theo yêu cầu của EU (dư lượng thuốc BVTV, tiêu chuẩn tiếp thị..).


Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT.

Thấu hiểu lo lắng này của doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, các doanh nghiệp đang lo lắng về những tiêu chuẩn. Nhưng chúng ta đã có nhiều năm đóng góp ý kiến cho những mức dư lượng, chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. EU xây dựng các quy định mới rất minh bạch trong các nước nội khối và ngoại khối để đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Nhiều nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc cũng cho phép đánh giá rủi ro về những quy định dư lượng này.

“Tuy nhiên phải nhìn nhận, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa vấn đề chất lượng và vấn đề an toàn”, ông Hoà nhấn mạnh.

Theo Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-gia-vi-rau-qua-lo-lang-ve-tieu-chuan-khat-khe-cua-eu-222543.html