Nhà máy về miền Tây tuyển công nhân

Cần tăng thêm 1.500 lao động mới sau kỳ nghỉ Tết nhưng mỗi ngày nhận chưa đến 10 hồ sơ, Công ty TNHH Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi gấp rút lên kế hoạch về tỉnh tuyển dụng. Địa phương đầu tiên nhà máy nhắm đến là An Giang với nhiều chính sách ưu đãi cho công nhân mới.

Ông Đỗ Trương Hoàng Phúc, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Việt Nam Samho, cho hay doanh nghiệp có một chi nhánh ở An Giang. Sau kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày có hơn 50 người đến nộp hồ sơ tìm việc trong khi nhu cầu tuyển mới không cao như ở TP HCM. "Nguồn nhân lực ở tỉnh đang khá dồi dào", ông Phúc đánh giá. 

Nhân viên tuyển dụng của nhà máy Samho (phải) phỏng vấn lao động ở An Giang sau Tết. Ảnh: An Phương

Để thu hút lao động, Samho đặt ra nhiều chính sách đãi ngộ. Những công nhân đang làm việc ở chi nhánh tỉnh, muốn chuyển lên nhà máy chính ở TP HCM sẽ được lo chỗ ăn ở, ngoài lương còn có thêm phụ cấp mỗi ngày 180.000 đồng suốt 3 tháng. Mỗi tháng công nhân được về thăm nhà một lần, chi phí đi lại được doanh nghiệp chi trả. Ngoài ra, một đội tuyển dụng từ thành phố sẽ xuống làm việc trực tiếp với ngành lao động địa phương, chính quyền huyện, xã, sau đó đến từng nhà dân để tư vấn.

Theo kế hoạch, huyện đầu tiên đội tuyển dụng đến là Tri Tôn, nơi có gần 500 dân là công nhân lâu năm của Samho. Để khuyến khích những lao động này kết nối người thân, bà con ở quê chưa có việc làm với công ty, nhà máy sẽ thưởng 500.000 đồng cho mỗi lần giới thiệu thành công. Chi phí này lên đến một triệu đồng cho mối giới thiệu ở địa phương.

Khi có danh sách ứng viên tiềm năng, nhân viên tuyển dụng nhà máy đến từng nhà để tư vấn. Ngoài quyền lợi như thu nhập mỗi tháng 6-8 triệu đồng, công ty sẽ thưởng cho người mới 2,4 triệu đồng. 4 năm đầu làm việc, mỗi năm công nhân được tặng gần 5 triệu đồng, phụ cấp nhà trọ 500.000 đồng... Vào mỗi dịp Tết, nhà máy tổ chức xe đưa, đón tận nơi. Nhà máy Samho kỳ vọng đợt về An Giang lần này tuyển ít nhất 200 công nhân, sau đó mở nhiều đợt tuyển dụng tại các tỉnh.

Về các tỉnh miền Tây tuyển nhân công cũng là cách mà Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đang thực hiện. Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự công ty, cho hay nhà máy đang thiếu hơn 500 công nhân nhưng nhiều tháng qua chưa tuyển đủ số lượng.

Để có nguồn lao động, Cholimex liên hệ với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh. Doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu, chế độ lương thưởng như được đảm bảo thu nhập ít nhất 6 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ cao hơn. Công ty hỗ trợ chi phí đi lại, trả tiền xét nghiệm Covid-19, có nhà tập thể cho công nhân... Khi các trung tâm gom đủ số lượng từ 20 người, nhà máy sẽ tổ chức xe xuống tận nơi đưa lên thành phố. Nếu đi riêng lẻ, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tiền vé xe.

Ông Toàn nói rằng sắp tới bộ phận nhân sự sẽ xuống tận nơi, làm việc với các địa phương để tiếp cận trực tiếp ứng viên. Việc này giúp nhà máy chủ động hơn trong tìm nguồn, không phụ thuộc nhiều vào các trung tâm do các đơn vị này còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác, "nguồn nhân lực bị chia sẻ nhiều". 

Người lao động của nhà máy Cholimex trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam đóng ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức), cho hay chương trình về tỉnh tuyển lao động được doanh nghiệp thực hiện nhiều năm qua. Sau tuyển dụng một số tỉnh cử cán bộ đến tận nhà máy, gặp gỡ công nhân hỏi về chế độ lương, thưởng có như cam kết ban đầu. Nếu lao động gặp khó khăn, tỉnh sẽ có biện pháp giúp đỡ hoặc làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị cải thiện.

"Nếu nhà máy làm tốt chế độ, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp để tạo nguồn", bà Vân nói và cho rằng điều này còn khiến các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với người lao động.

Không chỉ xuống tận nơi, các doanh nghiệp ở thành phố còn tham gia các sàn giao dịch trực tuyến do các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối với lao động ở tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết mô hình này được thực hiện khi Covid-19 bùng phát, đi lại hạn chế. Các địa phương sẽ mời ứng viên đến, phỏng vấn online. Sau Tết, sàn giao dịch trực tuyến mở trở lại, đáp ứng nhu cầu tuyển nhân sự của các nhà máy.

Theo ông Lâm, khi tuyển trực tuyến, các nhà máy sẽ tiếp cận nhiều hơn với lao động ở các tỉnh, thành. Việc tuyển dụng được thực hiện nhanh, nguồn lao động đa dạng, tiết kiệm được chi phí. Ngoài các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM còn hỗ trợ chỗ ở, xét nghiệm miễn phí khi công nhân mới đến nhận việc.

Số liệu ngành lao động thành phố, sau kỳ nghỉ Tết, hơn 1,9 triệu lao động quay lại TP HCM làm việc, đạt tỷ lệ khoảng 96%. Ngoài ra, sau Tết, thành phố cần hơn 55.600 lao động mới, tập trung ở các ngành dệt may, giày da, sản xuất, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao su, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Đây là những ngành nghề tăng trưởng mạnh, nhiều đơn hàng sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Theo Lê Tuyết (Vnexpress)

https://vnexpress.net/nha-may-ve-mien-tay-tuyen-cong-nhan-4426574.html