Hà Nội: Bàn giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế
Hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế

Bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội vẫn có nhiều điểm sáng

Ngày 1/12, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII bước sang ngày làm việc thứ hai. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã phát biểu ý kiến giải trình, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Giải trình về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, ông Chu Ngọc Anh cho biết, đã có 56 lượt ý kiến về báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; 73 lượt ý kiến về các nội dung tài chính - ngân sách. Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao chất lượng và thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình liên quan, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc.

Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, năm 2022, thành phố sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, trong đó lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ các di tích; tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.

Trong bối cảnh chịu tác động từ dịch Covid-19, cân đối thu - chi ngân sách vẫn được đảm bảo; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán trung ương giao; bảo đảm nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi bảo đảm an sinh xã hội.

Lạm phát được kiểm soát, Chỉ số CPI bình quân ước tăng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%). Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,78% (năm 2020 tăng 4,7%).

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 2,83-2,95%.

Công tác cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường, củng cố; công tác an sinh xã hội được bảo đảm…

Bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2022 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị.

Thành phố cũng sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, năm 2022 theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021 (nếu không kể số thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế ngân sách trung ương hưởng 100% thì tăng 8,5%). Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Để đảm bảo mục tiêu này, thành phố sẽ đề ra những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi; tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách...

Về đầu tư công, đối với kế hoạch năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước,… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đối với kế hoạch năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế...

Bí thư Thành ủy nêu rõ, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.