Tiềm năng thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi ở Việt Nam còn rất lớn

Già hóa dân số nhanh

Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy Việt Nam có 6,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 8,1% tổng dân số (trong 12 người sẽ có 1 người cao tuổi). Đến năm 2019, dân số người cao tuổi là 11,41 triệu người, chiếm 11,86% tổng dân số, tăng hơn 5 triệu người trong 10 năm. Dự đoán cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh và đến năm 2035 - 2038, gần 1/5 người Việt Nam sẽ là từ 60 tuổi trở lên (TCTK, 2016).

Các diễn giả tham gia Diễn đàn Diễn đàn Cơ hội Phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho người cao tuổi tại Việt Nam, do VCCI-HCM phối hợp với Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tổ chức.

 

Theo ước tính của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số, nghĩa là trong 5 người sẽ có 1 người cao tuổi. Đến năm 2039, dự báo số lượng người cao tuổi ở Việt Nam sẽ vượt quá số lượng trẻ em. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động này sẽ có tác động xấu đến phát triển kinh tế.

Nói về tiềm năng của thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam, bà Bùi Thị Ninh – Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM cho rằng, các yếu tố tác động lên sự tăng trưởng lớn dành cho thị trường cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi đó là xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính ở người cao tuổi càng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự nhận thức tốt hơn về các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi tại gia, cũng như sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ này.

Theo bà Ninh, thị trường tiềm năng này sẽ có mức tăng trưởng hàng năm lên tới 7% trong giai đoạn từ 2020 – 2027. Riêng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, dự kiến tỷ lệ này có thể lên đến 7,7%. Thậm chí có thể lên đến 14,6% trong giai đoạn từ 2018 – 2022, với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ USD. Đây là một thị trường rất tiềm năng và giá trị lớn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể là tỷ lệ sinh thấp. Bà Ninh cho rằng, tỷ lệ sinh thấp ở quy mô gia đình nhỏ sẽ dẫn đến việc chăm sóc của người thân và con cái dành cho người cao tuổi sẽ ngày càng giảm theo thời gian. Nhiều người cao tuổi thường có xu hướng lựa chọn sống một mình, nhất là những người cao tuổi có trình độ cao.

Tuy nhiên, khi tuổi càng cao thì sự phụ thuộc về tài chính của người cao tuổi đối với con cái và người thân ngày càng lớn. Do đó, thách thức cho việc phát triển thị trường dịch vụ cho người cao tuổi là làm sao những nhà cung cấp dịch vụ này phải phát triển được các dịch vụ đủ thuyết phục được cả người cao tuổi lẫn con cháu của họ, những người chi trả cho các dịch vụ này”, bà Ninh chia sẻ.

Thị trường nhiều tiềm năng

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Anh Trung – Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ đánh giá, cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hiện nay đang rất nhiều.

Thứ nhất, sau dịch COVID-19, mọi vấn đề trong gia đình, vấn đề nhìn nhận về sức khỏe đều được thay đổi, đặc biệt là với người cao tuổi. Bởi họ luôn muốn làm như thế nào để bảo vệ sức khỏe tốt hơn và những người con trong gia đình cũng muốn tìm kiếm một nơi chăm sóc người cao tuổi để đảm bảo được an toàn hơn, phù hợp với việc giãn cách cũng như phong tỏa (nếu có) để phòng dịch.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ.

 

Thứ hai là số lượng dân số của Việt Nam già hóa càng ngày càng nhiều, trong khi đó, thị trường các nhà dưỡng lão hiện nay đang rất ít. Do đó, cơ hội đầu tư vào việc xây dựng nhà dưỡng lão còn rất nhiều và rộng mở.

Ông Trung cho biết,  khi sang Nhật Bản, ông thấy nhà dưỡng lão của họ nhiều như trường mần non ở Việt Nam. Còn tại Việt Nam thì ngược lại, trường mầm non nhiều hơn nhà dưỡng lão. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi. Do đó, ông Trung cho rằng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này là rất lớn.

“Khi tham gia vào thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, chúng ta thấy một điều gì đấy nhân văn hơn, cảm thấy cuộc sống yêu thương con người nhiều hơn, dặc biệt là giúp cho người cao tuổi, những người yếu thế, bệnh tật, những người không có khả năng tự phục vụ. Do đó, mỗi một doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này đều cảm thấy mình đã giúp được cho xã hội một cái gì đó đầy lòng yêu thương”, ông Trung nói. Đồng thời, ông cũng mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn cùng tham gia vào thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi ở Việt Nam.

Còn theo ông Đặng Trọng Ngôn – Giám đốc Viện dưỡng lão Anspace, hiện nay xu hướng sử dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang rất được quan tâm. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Do đó, ông cho rằng, sử dụng công nghệ 4.0 và một phương thức chăm sóc sức khỏe toàn diện là điều mà tất cả mọi người đều hướng tới, đều có nhu cầu.

“Tôi thấy rằng đây sẽ là một lĩnh vực sẽ có sự tăng trưởng cao. Bởi nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện đang rất nhiều, trong bối cảnh thu nhập của nhiều gia đình người Việt Nam đang được nâng cao. Đồng thời, mảng dịch vụ này còn mang một ý nghĩa nhân văn rất lớn”, ông Ngôn đánh giá.

Ông Ngôn cho rằng, người làm trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cần phải xem đây như là việc chăm sóc sức khỏe cho chính cha, ông của mình. Do đó, ông cho rằng nó phải xuất phát từ tình cảm của những người làm công việc này đối với người già.

Nhìn ở góc độ của một nhà đầu tư, theo ông Ngôn, ở Việt Nam hạ tầng và nguồn nhân lực đều sẵn có, kể cả quỹ đất cũng không thiếu. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn chưa hoàn toàn phát triển ở Việt Nam. Đặc biệt là những mô hình đang phát triển hiện nay phần lớn là theo mô hình những Trung tâm Bảo trợ xã hội để chăm sóc cho những người già neo đơn.

Ông cho rằng, đây chính là điều mà chúng ta phải thay đổi đầu tiên ở Việt Nam. Bởi hiện nay, văn hóa và cách ứng xử của người Việt theo truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”, nên xu hướng về già đều muốn ở cùng con cái. Trong khi đó, ở góc độ cộng đồng, khi phải đưa bố mẹ mình vào các Trung tân dưỡng lão, thì bị cho là gia đình, con cái thiếu sự chăm sóc cha mẹ, nên mới phải đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão.

“Tuy nhiên, nếu như làm đúng cách và tạo không gian thực sự cho người già có người già để làm bạn, có những hoạt động dành cho người già thì việc kết hợp giữa chăm sóc về mặt sức khỏe y tế lẫn tinh thần cho người già như các hoạt động về giao lưu văn hóa hay những hoạt động về tâm linh, những hoạt động chia sẻgắn kết những người già…với mô hình này thì việc kết hợp thời gian ở nhà với con cái và thời gian đến các trung tâm dưỡng lão là sự kết hợp hoàn hảo nhất”, ông Ngôn chia sẻ.

Theo Tạp Chí Diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/tiem-nang-thi-truong-dich-vu-danh-cho-nguoi-cao-tuoi-o-viet-nam-con-rat-lon-210867.html