Quái vật MoMo Challenger trở lại YouTube: Cảnh báo mới, nguy cơ cũ!

Từ nghệ thuật trở thành nỗi ám ảnh…

Nhân vật MoMo với hình mặt người mắt lồi là tác phẩm của họa sĩ Keisuke Aisawa nhưng lại thuộc sở hữu của Link Factory (một công ty chuyên về dàn dựng, hiệu ứng hình ảnh tại Nhật Bản) - theo bộ phận truyền thông của Google.

Tháng 8.2018, nhân vật MoMo đã được “chế biến” trong game video hướng dẫn tự sát MoMo Challenger gây chấn động thế giới và sau đó phía YouTube buộc phải gỡ bỏ.

Đợt trở lại của nhân vật MoMo trong một tuần qua, dưới nhiều hình thức từ game video cho đến nội dung lồng ghép vào các bản tin.

Trong thông tin phản hồi lại một bài báo trên một tờ báo điện tử Việt Nam, bộ phận truyền thông Google cho rằng chưa ghi nhận được sự xuất hiện trở lại của video game hướng dẫn tự sát MoMo Challenger, và càng không có trên YouTube Kids là trang chuyên dành cho trẻ em có sự kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, phía Google thừa nhận, “video có tạo hình nhân vật Momo và lồng tiếng, phụ đề với nội dung kinh dị, nguy hiểm” mà bài báo trên dẫn lại thực chất là Momo Threats - một trò chơi khăm và không liên quan đến thử thách Momo.

Momo Threat giới hạn độ tuổi xem, với hình ảnh MoMo xuất hiện với tạo hình đáng sợ thuộc nhóm video được age-gated, tức là video không dành cho trẻ em, có sự kiểm soát, giới hạn về độ tuổi (age gate). Người được phép xem những video này phải trên 18 tuổi. 

Cảnh báo cho người lớn, ai cảnh báo cho trẻ em?

Như Google cho biết, dưới các video “age gate” thường có cảnh báo “This video may be inappropriate for some users” (Video này có thể không phù hợp với một số người xem). Đành rằng kênh YouTube bình thường này dành cho phân khúc người xem từ 18 tuổi trở lên, nhưng kiểu cảnh báo như thế cũng rất chung chung, không được cụ thể rõ ràng.

Nhân vật Momo đã bị biến tướng thành ma quái gây ám ảnh.
Nhân vật Momo đã bị biến tướng thành ma quái gây ám ảnh.
  

Chính vì vậy, không ít phụ huynh vì bận bịu, mải việc hay chủ quan, khi giao máy tính bảng hay điện thoại cho con em sử dụng với tài khoản YouTube bình thường, cũng không lường hết được các nội dung có dòng cảnh báo tương tự như trên lại có chứa các nội dung tiêu cực một cách nghiêm trọng như thế nào, trong đó gồm cả nội dung tự sát như cách cứa cổ tay cho đúng để chảy máu hay cách mở lò vi sóng, bếp gas chỉ để phá phách...

Ngay cả video Momo Threat mà Google cho rằng đã phân khúc dành cho người từ 18 tuổi trở lên, với cách cảnh báo như vậy, cũng giống như một sự phó mặc trách nhiệm cho các bậc phụ huynh, trong khi việc thẩm định nội dung này có phù hợp với tuổi mới lớn từ 18-20 cũng chẳng được đặt ra.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ba ngày trở lại đây, các trang báo quốc tế đã dẫn lại công bố từ YouTube cho biết hoàn toàn xóa bỏ các hình ảnh nhân vật MoMo trong các video ngay cả những bản tin truyền thông, sau khi bị truyền thông quốc tế phản ứng dây chuyền và cao trào. Tại Việt Nam, các cảnh báo về hình ảnh MoMo và MoMo Challenger cũng khá nghiêm trọng.

Thế nhưng, YouTube đang đẩy sự kiểm soát nội dung video về cho người xem, dùng hệ thống phản hồi từ người xem để rà soát. Đây có thể nói là một cơ chế kiểm soát rất thiếu trách nhiệm của các website, ứng dụng truyền thông và nội dung số hiện nay. Tờ báo uy tín của nước Anh là Guardian thậm chí còn chỉ trích YouTube sau vụ MoMo gây sóng trong vài ngày qua rằng “hệ thống này sinh ra để kiếm tiền và views, không phải để giáo dục trẻ em”.

Cảnh báo từ những hình ảnh nhân vật MoMo được sử dụng trong các video để chơi khăm hay lừa bịp trên YouTube, thì cũng cho thấy một nguy cơ rất cũ đầy cạm bẫy đối với người xem nói chung và trẻ em nói riêng: Hệ lụy dẫn đến những ám ảnh, sợ hãi, tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và thậm chí dẫn đến cái chết.