An toàn thực phẩm: 7 điểm được, nhưng cũng chừng đó điểm yếu kém

Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Đã tạo được chuyển biến

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 đã đạt được nhiều kết quả trên thực tiễn.

Theo đó, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND các cấp về ATTP được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP. Nhiều vấn đề vướng mắc trong quản lý ATTP đã được tháo gỡ, nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện, xử lý kịp thời.

Cùng với đó, hệ thống tổ chức quản lý, nhân lực, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý ATTP từng bước được kiện toàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kiểm định, kiểm nghiệm mẫu, giám định, nghiên cứu khoa học về ATTP đã được đầu tư nhiều hơn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 cũng được tăng cường, chiếm 16,3% so với tổng đầu tư NSNN cho công tác ATTP cả giai đoạn.

Công tác quản lý ATTP trong sản xuất rau, quả tươi sống, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm cũng có nhiều tiến bộ, bước đầu đã có mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi. Đồng thời, công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu tăng, thị trường được mở rộng.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2011-2016, công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về ATTP đã được tăng cường, hoạt động có hiệu quả. Song song với đó, hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm đã được triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc.

Thêm một điểm tích cực khác được Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu ra là việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước

Từ năm 2011-2016, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016).

Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP.

Tồn tại yếu kém ngang thành quả

Trong báo cáo giám sát của UBTVQH, bên cạnh 7 điểm đạt được, thì cũng có tới 7 điểm còn tồn tại yếu kém.

Cụ thể là công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên; nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho ATTP còn hạn chế. Hệ thống cơ quan QLNN về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao; phối hợp giữa các cơ quan QLNN về ATTP còn hạn chế.  Đồng thời, một điểm yếu kém khác dẫn tới việc thực hiện chính sách ATTP chưa như mong đợi là đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo giám sát cũng cho hay, kiểm soát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm còn  không ít tồn tại, yếu kém. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.  Song song với đó, công tác quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

Bên cạnh đó, việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho cho biết, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe./.

Theo Duy Thái (Thời báo tài chính)