Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội: Cần quy định tiêu chuẩn thành viên Hội đồng thẩm định giá

Thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 kỳ họp Quốc hội khóa XV vào chiều 23/5, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP. Hà Nội), nhận thấy báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã giải trình, tiếp thu kỹ lưỡng dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua, tại kỳ họp này cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Cần quy định tiêu chuẩn để trở thành viên Hội đồng thẩm định giá

Theo đại biểu Thịnh, về thành phần Hội đồng thẩm định giá, Điều 60 của dự thảo luật quy định "Hội đồng thẩm định giá có tối thiểu 3 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê người có chứng nhận chuyên môn làm thành viên Hội đồng thẩm định giá. Hội đồng phải có ít nhất 50% thành viên, bao gồm Chủ tịch Hội đồng có chứng nhận chuyên môn".

Với quy định như vậy, ông cho rằng sẽ có trường hợp thành viên của Hội đồng thẩm định giá là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước không có chuyên môn về thẩm định giá và Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá cũng có thể không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, tại Điều 63, dự thảo luật quy định "thành viên của Hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ tuân thủ trình tự, thủ tục thẩm định giá tài sản theo quy định, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và tính đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan đối với kết quả thẩm định giá tài sản. Cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về thẩm định giá.

Điều 64 dự thảo luật quy định "kết luận thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá được sử dụng là một trong những cơ sở để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giá hoặc phê duyệt giá tài sản phục vụ cho các mục đích về quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật".

nguyen-tuan-thinh

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu "Hội đồng thẩm định giá phải đảm bảo tuân thủ chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Việc thực hiện thẩm định giá tương tự như thực hiện công vụ".

Với tính chất, vị trí, vai trò của Hội đồng thẩm định giá như trên, đại biểu đoàn TP. Hà Nội đề nghị cần quy định tiêu chuẩn để trở thành viên Hội đồng thẩm định giá là phải có chuyên môn về thẩm định giá, như ý kiến của một số đại biểu cũng đã nêu.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá phải là công chức, viên chức, để đảm bảo chất lượng của Hội đồng thẩm định giá, cũng như đảm bảo điều kiện để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Hội đồng thẩm định giá.

Bởi theo quy định tại Điều 60 thì Hội đồng thẩm định giá kết luận về giá tài sản theo ý kiến đa số được biểu quyết và thông qua của thành viên Hội đồng thẩm định giá. Cùng với đó quy định về thành phần Hội đồng thẩm định giá cũng chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, quy định tại Điều 74 dự thảo luật.

Như vậy, từ nay đến năm 2026 sẽ chưa được quy định Hội đồng thẩm định giá thực hiện theo thành phần như thế nào. Về thành phần Hội đồng thẩm định giá tôi đã tham gia ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào tháng 4/2023 và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận, tiếp thu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật trình Quốc hội thì nội dung này vẫn chưa được tiếp thu.

Vị đại biểu cũng phân tích, tại Điều 62 của dự thảo luật quy định "Hội đồng thẩm định giá có quyền thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định tình trạng kinh tế kỹ thuật, chất lượng tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá. Hội đồng thẩm định giá tài sản chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định thành lập Hội đồng. Các trường hợp phát sinh sau khi Hội đồng thẩm định giá chấm dứt hoạt động sẽ do cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng chủ trì xử lý". 

Ông Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng với quy định như vậy sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện và chưa đảm bảo tính pháp lý xuyên suốt trong hoạt động giao kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ cho hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luật Luật Giá sửa đổi. Ảnh: Phạm Thắng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh theo hướng Hội đồng thẩm định giá có quyền đề xuất với cơ quan thành lập hội đồng, thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định hoặc thuê doanh nghiệp có chức năng thẩm định để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá.

Theo dõi mặt bằng giá thị trường rất quan trọng

Về mặt bằng giá thị trường, khoản 5 Điều 4 về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật quy định "mặt bằng giá thị trường là mức giá bình quân của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời kỳ, tại một không gian, thời gian nhất định và được phản ánh thông qua chỉ số giá tiêu dùng".

Tuy nhiên, cụm từ "chỉ số giá tiêu dùng" chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong dự thảo luật tại khoản 5 Điều 4 về giải thích từ ngữ. Cụm từ "mặt bằng giá thị trường" cũng chỉ xuất hiện thêm một lần tại Điều 31 về mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá. Đồng thời, trong Chương III về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá cũng không đề cập nội dung về mặt bằng giá thị trường và chỉ số giá tiêu dùng.

"Song, trên thực tế việc tính toán, thống kê chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và theo dõi. Việc theo dõi mặt bằng giá thị trường cũng rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về giá. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm nội dung này", đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nói.

Theo Bảo Lâm (Tạp chí điện tử của Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN)

https://nhadautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-doan-tp-ha-noi-can-quy-dinh-tieu-chuan-thanh-vien-hoi-dong-tham-dinh-gia-d76734.html