Đề xuất Nhà nước thu hồi đất khi 90% người dân đồng ý

Đề xuất được các đại biểu đưa ra tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức, sáng 5/10.

Trước đó, dự thảo Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác) khi trên 80% người có đất đồng ý. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 20% chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi là không đúng tinh thần Hiến pháp. Sau đó, dự thảo mới nhất đã bỏ quy định này.

Ông Lê Minh Hiếu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân, nêu thực tế dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (110 ha) quy hoạch cách đây 22 năm, đến nay mới thoả thuận được trên 85% hộ dân. Số còn lại do vướng mắc về giá khi làm việc với chủ đầu tư, dân không đồng thuận. Để giải quyết, quận đã áp dụng biện pháp điều chỉnh ranh quy hoạch nhưng chỉ làm được ở một số vị trí giáp ranh, không thể áp dụng toàn bộ.

Do đó, đại diện quận Bình Tân đề nghị với dự án không dùng ngân sách thì cho phép nếu trên 90% hộ dân đã đồng thuận phương án bồi thường, Nhà nước được cưỡng chế thu hồi đất phần còn lại để hoàn thành.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn góp ý tại hội thảo sáng 5/10. Ảnh: Thu Hằng

Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn góp ý tại hội thảo, sáng 5/10. Ảnh: Thu Hằng

Tương tự, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết địa phương có dự án chỉ còn một phần diện tích chưa hoàn thành bồi thường, nhưng người sử dụng đất không chuyển nhượng với bất kỳ giá nào, kể cả hoán đổi đất ở bằng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, có người mua một vài miếng đất trong dự án phát triển nhà ở nhưng không chịu bán bất kỳ giá nào gây ảnh hưởng tiến độ chung.

Theo ông Nguyễn, các trường hợp trên làm ngưng trệ sự phát triển của địa phương, ảnh hưởng quyền lợi các bên liên quan là doanh nghiệp, nhà nước và người dân đã chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, quận đang không biết giải quyết thế nào với tình trạng này.

"Cơ chế tự thoả thuận là đương nhiên, mà thoả thuận 90% rồi vẫn không làm được gì nữa thì dự án đứng. Quốc hội cần có quy định chính thức để tháo gỡ cho các dự án đang vướng mắc", ông nói và cho rằng cần có cơ chế cho thu hồi đất trong trường hợp này; hoặc cho phép UBND cấp huyện khởi kiện ra toà, cơ quan phán quyết giá sẽ là toà và bên thẩm định giá đất.

Chiều nay và ngày mai, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành, chuyên gia cho dự thảo Luật Đất đai để tổng hợp, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật Đất đai được xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 khai mạc trong tháng 10.

 

Theo Thu Hằng(Vnexpress)

https://vnexpress.net/de-xuat-nha-nuoc-thu-hoi-dat-khi-90-nguoi-dan-dong-y-4519498.html