Hotline : Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Chức danh nào ở xã được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm?

Thứ tư, 11-10-2016 | 15:26:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Vũ Dạ Hằng công tác tại một xã của tỉnh Thừa Thiên Huế. Xã có Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã, 2 Phó Bí thư, trong đó có 1 Phó Bí thư do Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm. Hiện Bí thư Đảng ủy được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 20%, còn Chủ tịch UBND xã thì không được hưởng phụ cấp này. Bà Hằng hỏi, như vậy có đúng không?

Tại xã của bà Hằng còn có trường hợp ông A, nguyên Chủ tịch UBND xã đã về hưu, nay giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Theo Điều 2, Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 17/7/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội đặc thù thì: “Đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn là 1,0 lần so với mức lương cơ sở”.

Tại Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 14/1/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách có quy định, chức danh Chủ tịch hội Chữ thập đỏ là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và hưởng mức phụ cấp hàng tháng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung.

Theo cách hiểu của bà Hằng, ông A hưởng đồng thời 2 mức phụ cấp ở cả 2 quyết định. Tuy nhiên, phòng Tài chính - Kế hoạch huyện trả lời, trường hợp này chỉ hưởng một mức phụ cấp hệ số 1,0. Bà Hằng hỏi, như vậy là đúng hay sai?

Về vấn đề này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có ý kiến như sau:

Điều 3, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định, cán bộ cấp xã có 11 chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

Mặt khác, Điều 10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định phụ cấp kiêm nhiệm chức danh: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 1 người trong số lượng quy định tối đa thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng.

Hiện nay, tại xã nơi bà Hằng đang ở có 2 Phó Bí thư Đảng ủy (1 Phó Bí thư thường trực và 1 Phó Bí thư kiêm nhiệm) và có 2 người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm (1 Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và 1 Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư Đảng ủy theo cơ cấu).

Như vậy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND có giảm được 1 chức danh (1 người) còn Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư Đảng ủy không giảm được 1 chức danh (1 người) trong số lượng quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

Vì vậy, việc thực hiện chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và không thực hiện chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư Đảng ủy là đúng.

Mức phụ cấp của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã

Trước đây, Quyết định số 2940/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn quy định mức phụ cấp hàng tháng cho Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ là 0,5 mức lương cơ sở.

Đến ngày 17/7/2014 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội đặc thù thì Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng là 1,0 mức lương cơ sở.

Vì vậy, khi xây dựng Quyết định số 02/2015/QĐ-YBND ngày 14/1/2015 về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách: UBND tỉnh đã điều chỉnh mức phụ cấp hàng tháng của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ từ 0,5 lên 1,0 cho phù hợp theo quy định tại Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Như vậy, ông A làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã chỉ được hưởng 1 mức phụ cấp hàng tháng là 1,0

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (3)