Ba dạng điều kiện kinh doanh phải ‘khai tử’

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng tinh thần nhà nước phục vụ, nhà nước kiến tạo đang lan tỏa. - Ảnh: Báo Hải quan
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế của VCCI, một trong những người trực tiếp tham gia rà soát các điều kiện kinh doanh trong các dự thảo nghị định, khẳng định điều kiện kinh doanh nằm ở trung tâm của thể chế kinh doanh.

Trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, tổ soạn thảo đã tiến hành rà soát và liệt kê ra khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có đến hơn 3.000 điều kiện nằm ở cấp thông tư sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7 tới đây.

Trong dịp nâng cấp các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định lần này, Chính phủ chỉ đạo các Bộ phải rà soát cả về nội dung, tức là phải đánh giá các điều kiện kinh doanh đó có cần thiết, minh bạch, khả thi, hợp lý hay không. Đây là công việc hết sức nặng nề.

“Phong bì dày thì phù hợp”

Từ góc nhìn của doanh nghiệp (DN), theo ông những dạng điều kiện kinh doanh nào cần được bãi bỏ nhưng lại tồn tại phổ biến nhất?

Đầu tiên là điều kiện không minh bạch. Đây là tiêu chí có tỷ lệ vi phạm cao nhất, tôi ước tính có hàng ngàn điều kiện vi phạm tiêu chí này. Thể hiện rõ nhất là các quy định như: "DN phải có trang thiết bị phù hợp", "người thực hiện phải có trình độ chuyên môn, nắm vững kiến thức…", "có đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu"…

Những quy định như vậy rất chung chung, định tính, không rõ ràng. Việc xác định một DN đáp ứng/không đáp ứng điều kiện hoàn toàn dựa trên ý chí chủ quan chứ không có tiêu chí khách quan để đánh giá. Các quy định như vậy gây ra nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Đã có DN nói với tôi: "Phong bì dày thì trang thiết bị phù hợp, mà phong bì mỏng thì trang thiết bị không phù hợp".

Thử đặt mình vào vị trí của DN thì sẽ hiểu, nếu pháp luật quy định rõ ràng các điều kiện, DN cứ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ về nhân lực, vật lực và tự tin nộp đơn, họ sẽ chắc chắn có được giấy phép kinh doanh. Nhưng nếu điều kiện kiểu chung chung thế này thì DN buộc phải tiếp xúc với cán bộ từ trước, trình bày dự định của mình và phải có lời hứa miệng của cán bộ nhà nước thì DN mới dám bỏ tiền mua sắm cơ sở vật chất. Tất cả những giai đoạn này đều "dưới gầm bàn", không có trong quy định và từ đó nảy sinh tiêu cực.

Bỏ được các điều kiện kinh doanh không minh bạch này là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ và cộng đồng DN rất vui mừng khi quyết tâm này đang được hiện thực hóa.

Thứ hai là điều kiện không cần thiết.

Điều 7.1 của Luật Đầu tư (tương tự như Điều 14.2 của Hiến pháp) là tiêu chí để đánh giá tính cần thiết của điều kiện kinh doanh, theo đó, chỉ có 4 lý do được phép chấp nhận cho sự tồn tại của một điều kiện kinh doanh bất kỳ gồm: (1) quốc phòng, an ninh quốc gia, (2) trật tự, an toàn xã hội, (3) đạo đức xã hội, và (4) sức khỏe của cộng đồng. Ngoài 4 lý do đó, toàn bộ các lý do khác đều sẽ cho ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý.

Đáng tiếc là còn không ít các điều kiện kinh doanh vi phạm tiêu chí này. Ví dụ, nhiều cơ quan soạn thảo lấy lý do ban hành điều kiện để… DN phát triển, hay đặt ra điều kiện để tiện cho công tác quản lý. Thậm chí còn có cơ quan nhà nước đặt điều kiện vì lo ngại DN… lỗ. Tư duy lo hộ, nghĩ hộ DN như vậy cần được dỡ bỏ và cách đơn giản nhất để dỡ bỏ nó là các cơ quan soạn thảo bám chắc vào Điều 7.1 Luật Đầu tư và Điều 14.2 của Hiến pháp.

Thứ ba là điều kiện kinh doanh không hợp lý.

Cũng tồn tại không ít các điều kiện kinh doanh cao một cách bất hợp lý. Ví dụ, điều kiện kinh doanh khí gas đòi hỏi DN phải có từ 100.000 chai gas trở lên, có 40 đại lý hoặc tổng đại lý là cao bất hợp lý so với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Hay như quy định DN muốn xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn, máy xay xát công suất 10 tấn/giờ đã cản trở hầu hết các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá những điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô một cách bất hợp lý này gây thiệt hại rất lớn cho các DN nhỏ và vừa, hoặc các DN khởi nghiệp. Nó chỉ phù hợp với các DN lớn, kinh doanh theo lối truyền thống. Ví dụ, đối với các DN xuất khẩu gạo "lấy số lượng bù chất lượng" thì còn có thể vượt qua điều kiện quy định trên. Nhưng với DN muốn xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao thì họ không cần đến kho hay máy xay xát lớn đến như vậy.

Đó là 3 vấn đề lớn nhất về các điều kiện kinh doanh vẫn tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vấn đề khác như tính khả thi, thời điểm có hiệu lực, hay cơ chế bảo đảm thực thi của cơ quan nhà nước cũng cần được rà soát.

Đừng lo “thả gà ra đuổi”, đừng sợ  “tay không bắt giặc”

Ông đánh giá như thế nào về tư duy quản lý của các bộ ngành thể hiện qua những điều kiện kinh doanh nói trên và về tư duy mới và quyết tâm của Chính phủ là loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, hậu kiểm là chính?

Chúng ta đã có Hiến pháp mới khẳng định quyền con người, trong đó có quyền tự do kinh doanh. Chúng ta có Chính phủ mới thể hiện quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, và chống lợi ích nhóm. Chúng ta lại sắp phải tham gia một sân chơi cạnh tranh khốc liệt của TPP. Tôi cho rằng đây là thời điểm quan trọng. Nhiều DN đã dùng từ "hy vọng" khi nói chuyện với tôi về vấn đề thể chế kinh doanh.

Sự thay đổi về tư duy quản lý không phải dễ. Ví dụ, như việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm bị không ít ý kiến lo ngại là "thả gà ra mà đuổi", hay việc bỏ các điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô thì được coi là "tay không bắt giặc", việc bỏ cơ chế nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh của DN, bỏ quy hoạch ngành sản phẩm thì bị lo là "hỗn loạn thị trường".

Nhưng rõ ràng là tinh thần nhà nước phục vụ, nhà nước kiến tạo đang lan tỏa. Có những điều tiện cho DN nhưng gây khó cho cơ quan nhà nước cũng đã được đưa vào. Đơn cử như việc cơ quan nhà nước sẽ hạn chế đòi DN phải nộp/xuất trình những giấy tờ mà cơ quan nhà nước đã có, hay như việc Chính phủ yêu cầu cắt giảm thời gian làm thủ tục hành chính ít nhất 20% trong đợt ra soát điều kiện kinh doanh này.

Giấy phép con nằm ở trung tâm của thể chế kinh doanh, nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Cá nhân tôi hy vọng và tin rằng Chính phủ sẽ tiếp tục đề ra và thực hiện những cải cách rộng hơn nữa, căn bản hơn nữa.

Vậy đến thời điểm này, những kiến nghị của VCCI đã được các bộ ngành tiếp thu như thế nào?

Tháng trước, khi mà hầu hết các dự thảo mới chỉ ở dạng nâng cấp cơ học từ thông tư lên nghị định, chúng tôi đã thực sự lo lắng về chất lượng của các quy định. Hơn nữa, quy trình xây dựng lại theo thủ tục rút gọn, với khối lượng công việc lớn chưa từng có, quả thật là người lạc quan nhất cũng phải lo lắng.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, tình hình đã có sự thay đổi lớn. Mặc dù phải làm việc vào cả cuối tuần, nhưng công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đã đóng góp vai trò rất lớn trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh "không minh bạch", "không cần thiết", "không hợp lý" như đề cập trên.

Công tác thẩm tra của Văn phòng Chính phủ cũng rất ấn tượng khi Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, lãnh đạo các Vụ chuyên môn của VPCP, lãnh đạo Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp có mặt tại hầu hết các buổi rà soát, nghe báo cáo từng điều kiện còn chưa đạt tiêu chuẩn và kết luận tại chỗ.

Tôi nhớ có những khi Bộ chuyên môn đề xuất thời gian làm thủ tục hành chính lên đến gần 50 ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng hỏi lại: "15 ngày làm được không? Ứng dụng công nghệ thông tin vào thì sẽ làm được". Được chứng kiến tác phong làm việc như vậy, tôi có niềm tin rằng đợt rà soát điều kiện kinh doanh này sẽ là bước tiến lớn cả về nhận thức và thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Xin cám ơn ông.

Theo Hà Chính(Cạnh tranh quốc gia)