Sẽ mở cửa thị trường mua sắm công

mua sắm công
Mở cửa thị trường mua sắm công nhằm cải thiện chất lượng mua sắm, chống tham nhũng. Ảnh: TL.

Việc mở cửa thị trường mua sắm công trong Hiệp định EVFTA dự kiến có những tác động nhất định. Về mặt tích cực, công tác đấu thầu sẽ minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn. Hàng hóa xuất xứ từ 28 nước thành viên trong EU sẽ có tính bổ sung cho hàng hóa Việt Nam, khi mà đa phần hàng hóa trong gói thầu mua sắm công Việt Nam chưa sản xuất được. Nhà thầu EU cũng chuyên nghiệp hơn, năng lực cao hơn.

Cùng với đó, tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, “thông thầu” cũng sẽ được hạn chế. Chủ đầu tư sẽ phải làm việc chỉnh chu, trách nhiệm hơn vì nhà thầu nước ngoài sẵn sàng khởi kiện nếu thấy không được đối xử công bằng, điều ít thấy ở nhà thầu trong nước. Tiền thuế của người dân do vậy được chi tiêu hiệu quả hơn, cũng tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam vươn ra thị trường mua sắm công rộng lớn của EU.

Khi thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam có hai lựa chọn khi tổ chức chọn nhà thầu tham gia các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định:  Một là, chỉ cho phép nhà thầu nội khối EVFTA dự thầu và chỉ cho phép hàng hóa xuất xứ từ các nước thành viên của nội khối EVFTA. Hai là, trong những trường hợp nhất định, gói thầu lớn và phức tạp, nếu thấy rằng việc mở rộng sự tham gia cho các doanh nghiệp ngoài khối EVFTA sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, Việt Nam có thể lựa chọn đấu thầu quốc tế như hiện nay vẫn đang làm.

Sắp tới, dự kiến sẽ khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường mua sắm công. Bộ Tài chính đang dự thảo đề án này. Đề án sẽ đánh giá thực trạng doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường mua sắm công, thị trường cung cấp dịch vụ công, làm rõ thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân để đề xuất ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia rộng rãi thị trường mua sắm công, cung cấp dịch vụ công.

Đề án dự kiến được triển khai trong 3 năm (từ năm 2019 - 2021)./.  

Theo Minh Anh(Thời báo tài chính)