Chủ tịch VCCI đề xuất chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường

Cũng tại buổi Họp này, Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã nhận lẵng hoa tươi thắm từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tặng lẵng hoa tươi thắm tới TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Đánh giá tầm quan trọng của bộ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chia sẻ, trước hết phải nói rằng, lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, đó là Nghị quyết 35, đề ra nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Lần đầu tiên, Chính phủ có Nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể có thể định lượng được, đó là phải có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

“Đặc sản” Nghị quyết 35

TS Vũ Tiến Lộc thông tin, trước đây cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng từng nhắc đến mục tiêu về 500.000 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ dừng lại ở phát biểu của Thủ tướng và chưa được cụ thể hoá vào trong bất cứ Nghị quyết nào của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

“Mặc dù, Chính phủ có nhiều Nghị quyết, chỉ đạo tuy nhiên, Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết 19 về môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là quan trọng nhất”. -TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Theo đó, “Nghị quyết 19 là sự tiếp nối Nghị quyết 19 của các nhiệm kỳ trước, còn Nghị quyết 35 là đặc sản riêng của nhiệm kỳ này. Bao trùm lên tất cả những yêu cầu, công việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng thông tin, “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chính là người trực tiếp chỉ đạo để xây dựng Nghị quyết 35 để trình Chính phủ. Sau khi Nghị quyết 35 ra đời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng là người có sáng kiến và chỉ đạo trực tiếp Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng VCCI xây dựng Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp”.

“Bộ chỉ số là một cách thức để lượng hoá mức độ phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, báo cáo về chỉ số phát triển doanh nghiệp là báo cáo quan trọng và được xem là báo cáo chính thức của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan khác, trong đó có VCCI để triển khai thực hiện. Đây có thể xem là báo cáo gốc, để dẫn các số liệu, thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, các tổ chức, các cơ quan khác đều có báo cáo của mình. Tuy nhiên, các báo cáo này có những góc nhìn khác nhau và có thể dựa trên số liệu thống kê, số liệu dự báo hoặc điều tra, khảo sát.

Ví dụ, VCCI cũng có báo cáo thường niên về doanh nghiệp, đây là báo cáo công bố dựa trên quan điểm, lập trường của VCCI.

“Báo cáo về chỉ số phát triển doanh nghiệp là dựa trên số liệu thống kê – số liệu chính thức, và là chuẩn mực quan trọng nhất và sẽ là căn cứ để nghiên cứu chính sách và định hướng phát triển doanh nghiệp. Vì vậy đây là báo cáo “mẹ”, toàn diện, cụ thể và bao trùm còn tất cả những báo cáo kia là báo cáo con”. - ông Lộc nói.

Chất lượng doanh nghiệp mới là điều cần quan tâm 


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCi chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các Bộ, Ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp.

Báo cáo tóm tắt của Tổng Cục Thống về Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2017 đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có đề cập đến số lượng doanh nghiệp, phân theo ngành, địa phương, hiệu quả của doanh nghiệp như thế nào. Ngoài ra, trong cuộc Họp công bố bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều của Việt Nam là 97% - 98%.

Chia sẻ quan điểm liên quan đến câu chuyện này, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, trên thực tế, tại các nước phát triển tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lên tới 99,9%. Ví dụ như Hoa Kỳ 99,9% là doanh nghiệp nhỏ, (dưới 500 lao động) hay tại Anh, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (dưới 150 lao động) lên tới 99%. Đáng nói, trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động) của Anh là 96%. Như vậy, theo TS Vũ Tiến Lộc, nếu so sánh về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa giữa Việt Nam và các nước thì Việt Nam còn cao hơn cả Anh. Vì vậy, Việt Nam không cần lo lắng về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà điều cần lo lắng ở đây chính là chất lượng của doanh nghiệp việt Nam.

Liên quan đến số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, theo TS Vũ Tiến Lộc, xét về bản chất kinh tế, 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể là doanh nghiệp, nếu cộng vào, số doanh nghiệp của Việt Nam hiện có là khoảng 5,7 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể chưa được gọi là doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ trước đó về việc, Việt Nam nên thay đổi chế độ kế toán, hay chính sách thuế đối với khu vực hộ kinh doanh, TS Vũ Tiến Lộc còn cho rằng: “Chắc chắn phải minh bạch hoạt động của khu vực hộ kinh cá thể- đây là yêu cầu cực kỳ quan trọng”. Theo đó, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là làm thế nào để nâng cấp được doanh nghiệp Việt Nam.

TS Vũ Tiến Lộc cũng thông tin, theo nghiên cứu của Mạng lưới khởi nghiệp thế giới, với sự tham gia khảo sát của khoảng 60 quốc gia, và VCCI là đối tượng tham gia, Việt Nam xếp thứ 6/60 quốc gia về tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, việc minh bạch, xây dựng và cải cách chế độ kế toán sẽ chuyển 5,1 hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Phải chăng chính sách về phát triển doanh nghiệp nên tập trung theo hướng “thúc” các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp.

Tại cuộc Họp này, trên cơ sở báo cáo của Tổng Cục thống kê, TS Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất, tại sao tại một số địa phương số doanh nghiệp thành lập mới tăng rất nhanh, ví dụ tại tỉnh Bến Tre, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 300%. Có được kết quả này một phần là nhờ chương trình khởi nghiệp dẫn đầu cả nước hiện nay, một thành viên của BCH VCCI là ông Đặng Hữu Thành – cố vấn chương trình khởi nghiệp này.

Vì vậy TS Vũ Tiến Lộc đã đề xuất có thể nghiên cứu mô hình này và nhân rộng ra cả nước. Đồng thời thúc đẩy các địa phương đầu tàu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong việc minh bạch, ngoài ra cũng cần nghiên cứu các nguyên nhân khiến các địa phương có chỉ số đánh giá doanh nghiệp ở mức thấp.

Chuyển giao dịch vụ công cho thị trường, xã hội

Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng đã được Chủ tịch VCCI đề nghị tại buổi Họp báo đó là chuyển giao dịch vụ công cho xã hội.

Cụ thể, theo TS Vũ Tiến Lộc: “Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, ngoài việc cải cách chính sách, cải thiện thủ tục, thể chế, có một nhiệm vụ mà VCCI rất mong Chính phủ quan tâm. Trong Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Chính phủ có việc chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường từ các cơ quan nhà nước. Nếu thực hiện được việc này, như một mũi tên trúng hai đích, Nhà nước, Cơ quan Chính phủ thực hiện được nhiệm vụ tinh giảm bộ máy tập trung làm thể chế, mở thị trường cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp".

Theo Ngọc Hà(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)