3 chính sách 'đòn bẩy' tận dụng tối đa cơ hội từ kinh tế số

Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng”, tổ chức ngày 29/6, tại Hà Nội.

Nhiều cơ hội lớn

Ông Konstantin Matthies – Chuyên gia kinh tế vi mô của Công ty AlphaBeta cho rằng, KTS đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như tạo nên những mô hình kinh doanh mới và sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới…

Đơn cử, theo nghiên cứu của AlphaBeta, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD đến từ tăng trưởng của thị trường internet, thiết bị di động giai đoạn 2015 – 2020; hay sẽ có khoảng 48.000 công việc trực tiếp được tạo mới đến từ nền kinh tế ứng dụng (ví dụ lập trình viên, thử nghiệm viên) chỉ bằng việc phát triển các nền tảng nguồn mở…

Ở cấp độ DN, ông Konstantin Matthies cho rằng, công nghệ số cũng mang lại nhiều lợi ích cho các DN Việt. Trước hết, công nghệ số sẽ thay đổi cách thức xuất khẩu (XK) của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Cụ thể, đối với cách thức XK truyền thống, DN Việt sẽ mất nhiều công lao động (như nhân viên chuyên môn, nhân viên nghiên cứu thị trường, khảo sát thực địa…); phải mua quảng cáo trên các kênh địa phương tại thị trường nước ngoài (ví dụ quảng cáo trên báo chí, radio, tivi)… Đặc biệt là cách thức quản lý thủ công các chuỗi cung ứng, hạn chế về thông tin, thường phải thông qua các nhà môi giới, đơn vị tư vấn…

Trong khi đó, nếu XK theo xu hướng của nền KTS, các DN đạt được rất nhiều thuận lợi. Chẳng hạn như dùng các công cụ số để nghiên cứu thị trường (như khảo sát trực tuyến…), hạn chế yêu cầu phải di chuyển; quảng cáo sản phẩm qua các kênh quảng cáo số (bằng cách tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, hiển thị, mạng xã hội…); quản lý tự động và số hóa chuỗi cung ứng…

kinh tế số 

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thiện Trần

Bên cạnh đó, công nghệ số có thể giảm thiểu các rào cản XK và giảm thời gian, chi phí cho các DN nhỏ và vừa tham gia XK. “Đối với các ngành sản xuất, nếu áp dụng cách thức XK theo xu hướng của KTS, chi phí của các DN nhỏ và vừa liên quan tới gia nhập thị trường (bao gồm chi phí gia nhập thị trường và chi phí hoạt động tại thị trường nước ngoài) có thể giảm được khoảng 40% so với XK theo cách thức truyền thống. Tương tự, đối với các ngành dịch vụ, chi phí này có thể giảm được đến khoảng 82%. Về mặt thời gian, các công cụ số có thể làm giảm tới 29% thời gian thực hiện các khâu liên quan tới XK của DN” - ông Konstantin Matthies nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Thuận – Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, bên cạnh những cơ hội mà nền KTS mang lại cho các DN Việt, cũng còn có những thách thức trong việc cạnh tranh thị trường XK; khả năng thích ứng với công nghệ số của DN Việt còn hạn chế, do thiếu năng lực cả về tài chính và nguồn nhân lực để nghiên cứu, đầu tư cho đổi mới, sáng tạo trên nền tảng của các công nghệ số…

Cần nhiều chính sách để tận dụng cơ hội 

Ông Konstantin Matthies cho rằng, có 3 “đòn bẩy” rất quan trọng có thể giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ nền KTS, đó là: nguồn nhân tài số, môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ và chính sách thuế. Theo đó, để phát huy tác dụng của những “đòn bẩy” trên, ông Konstantin Matthies khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể tập trung vào 4 bài học tiềm năng liên quan tới tài năng số, môi trường đầu tư, giải pháp tiếp cận thuế và các quy định thương mại số.

Cụ thể, để khuyến khích tài năng số, điều quan trọng là Chính phủ phải chuyển đổi từ tư duy về nghề nghiệp trở thành tư duy về kỹ năng, để đào tạo ra các nhân tài về KTS, phục vụ phát triển kinh tế.

Về môi trường đầu tư, Việt Nam có thể tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho DN khởi nghiệp trong nước.

Đối với lĩnh vực thuế, vấn đề cốt lõi là cần xây dựng hệ thống thuế thống nhất, minh bạch và điều này quan trọng hơn rất nhiều so với mức thuế suất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng hệ thống quy định pháp luật về thương mại số theo hướng cố gắng giảm thiểu các rào cản đối với thương mại số…./.

Theo Diệu Thiện(Thời báo tài chính)