Ba đời hậu duệ vua Lý và 7 thập kỷ ly tán trên bán đảo Triều Tiên

Lý Tương Hiệp (ngồi, chính giữa) và Lý Công (phải) trong bức ảnh chụp cùng gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lý Tường Hiệp (ngồi, chính giữa) và Lý Công (phải) trong bức ảnh gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Bà ơi! Mẹ ơi! Soon Nyeo ơi!", hai hàng nước mắt chảy dài, ông Lee Young-taek (Lý Vĩnh Trạch) cất tiếng gọi trong cơn hấp hối. Đó là một ngày cuối năm 1978 ở thành phố Incheon, tây bắc Hàn Quốc. Những người chứng kiến giờ phút cuối cùng của ông có con trai Lee Sang-hyup (Lý Tường Hiệp) và cháu trai Lee Hoon (Lý Công). Ba người lần lượt đại diện cho hậu duệ đời thứ 28, 29 và 30 của vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc. 

Lời trăng trối cuối cùng cụ ông 75 tuổi dành cho bà, mẹ và con gái ở Triều Tiên, những người ông không được gặp suốt một phần tư thế kỷ rời bỏ quê hương, Lý Công chia sẻ với VnExpress.

Chuyện của Lý Vĩnh Trạch không hiếm. Hơn một nửa trong số 131.000 người Hàn Quốc ly tán người thân ở Triều Tiên đã chết trước khi có cơ hội đoàn tụ, Yonhap dẫn dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc.  

Lý Vĩnh Trạch sinh ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Khi chiến tranh liên Triều nổ ra năm 1950, hàng trăm nghìn người bỏ nhà cửa để tị nạn tới Hàn Quốc ngày nay. Một năm sau đó, ông cùng vợ, con trai và con gái út bí mật rời nhà ở nông trường tỉnh Hwanghae, đi bộ từ tờ mờ sáng để lên tàu Mỹ tị nạn bằng đường biển. Hành trình tới Hàn Quốc kéo dài tới một tháng, bởi con trai Lý Tường Hiệp trải qua bạo bệnh, phải chạy chữa dọc đường. 

Lý Vĩnh Trạch để lại con gái Soon Nye chăm sóc người cụ 80 tuổi. Mẹ ông đã mất trước đó. Lúc chia tay, ông Lý hứa sẽ trở về quê hương sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng ông không ngờ sau 65 năm, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chưa chấm dứt về mặt kỹ thuật, bởi cuộc chiến 1950 - 1953 kết thúc bằng lệnh ngừng bắn thay vì hiệp ước hoà bình.

Đến cuối đời, ông Lý vẫn không gặp được con gái ông yêu thương hết mực ở Triều Tiên, thậm chí không bao giờ biết con còn sống hay đã chết. Nhưng sứ mệnh tìm người thân tiếp tục được ông truyền lại cho con trai Lý Tường Hiệp rồi đến cháu trai Lý Công suốt hàng chục năm qua.

Tị nạn cùng cha mẹ từ thời niên thiếu, Lý Tường Hiệp cho biết ông là hậu duệ đời thứ 29 vua Lý Thái Tổ, trở thành công chức nhỏ ở Hàn Quốc. Sau khi an cư lạc nghiệp, ông cùng cha tìm đủ mọi cách thu thập thông tin về người thân. Ông gửi thông tin đến chương trình truyền hình tìm thành viên gia đình ly tán, rồi đăng ký đoàn tụ gia đình theo chương trình của Hội Chữ Thập Đỏ nhưng hai cách đều vô ích.

Năm 1992, hy vọng loé lên khi Việt - Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao. Với tư cách Chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc, ông Lý đến Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul, tự giới thiệu ông là hậu duệ vua Lý Thái Tổ ở Việt Nam. 

Năm 1226, vì biến loạn của hoàng triều, Hoàng thúc Lý Long Tường (em trai vua Lý Cao Tông, con trai vua Lý Anh Tông) cùng một số tôn thất bí mật vượt biển ra nước ngoài, đến Cao Ly sinh sống. Lý Long Tường sau đó lập công lớn dẹp giặc Mông Cổ và được phong là Hoa Sơn tướng quân. Ông sống tại vùng Hoa Sơn, nay thuộc Triều Tiên, vì vậy, nhiều người thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn vẫn sống ở Triều Tiên.  

Thông qua Đại sứ quán ở Seoul, ông Lý Tường Hiệp nhờ cậy chính phủ Việt Nam liên lạc với Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội tìm kiếm thông tin về thành viên gia đình. Tuy nhiên, Triều Tiên khước từ yêu cầu.

Tuyệt vọng, ông Lý Vĩnh Trạch và Lý Tường Hiệp đặt cược một khoản tiền đủ mua được một ngôi nhà rộng 100 m2 để thu thập thông tin về Triều Tiên qua người trung gian ở Trung Quốc. Nhưng cũng giống những lần cố gắng trước, khoản tiền dù lớn cũng không đem lại cho ông bất cứ manh mối nào. Nghĩ lại, ông Lý Tường Hiệp không tiếc, dù lúc đó gia đình ông chỉ thuộc tầng lớp trung lưu. "Suy nghĩ gì chứ, tất nhiên là phải tìm rồi. Phải tìm để biết xem họ còn sống hay đã chết", cụ ông tuổi ngoài 80 khẳng định khi nhớ lại khoản tiền. 

Khi cha tuổi đã cao, Lý Công tiếp quản công cuộc tìm kiếm cô ruột từ năm 2000 đến nay. "Tôi chưa bao giờ thấy mặt cô, nhưng cô là thành viên gia đình, cô vẫn nằm trong trái tim tôi và ước nguyện của cha là được biết tin về cô", người đàn ông giờ tuổi ngoại ngũ tuần, nói. 

Ông Lý Công đã làm phó chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn từ năm 2012 đến nay. Đó là năm đầu tiên đến Việt Nam nhân dịp lễ hội đền Đô (15/3 Âm lịch) ở Bắc Ninh, nơi thờ 8 vị vua thời Lý. Chắp tay dưới gác chuông thay cha phụ trách việc dòng họ, ông khấn: "Hậu duệ đời thứ 30 xin đến gửi lời chào linh vị các vị tổ tiên, xin các vị phù hộ cho những thành viên trong gia tộc mạnh khoẻ, mọi việc thuận lợi. Xin các vị phù hộ độ trì cho gia đình. Xin các vị phù hộ cho chúng con sớm được đoàn tụ với các thành viên ly tán". 

Theo ước tính của Lý Công, trong 2.700 người thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc, khoảng hơn 1.200 người nằm trong các gia đình bị ly tán trên bán đảo Triều Tiên. 

Những ngày cuối tháng 4, niềm hy vọng, vui mừng và xúc động dấy lên trong lòng cha con Lý Tường Hiệp, Lý Công, khi chứng kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu tiên bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khu phi quân sự Panmunjom. Hai lãnh đạo phát tín hiệu về việc chấm dứt chiến tranh liên Triều và nhất trí tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong chiến tranh vào ngày 15/8 tới.

"Lãnh đạo Kim Jong-un trẻ tuổi mà đã làm được điều như vậy cho quan hệ hai miền là điều tuyệt vời", ông Lý Công nói. Ông hy vọng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên được giải quyết rõ ràng, đặc biệt là chấm dứt chiến tranh. 

Cũng là con của một người tị nạn từ Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nói khi bán đảo thống nhất, điều đầu tiên ông sẽ làm là đưa cha mẹ trở về thăm quê cũ. Còn ông Lý Công cho biết nếu có cơ hội đi lại giữa hai nước, ông sẽ đưa cha thăm lại quê hương nếu cha còn sống. Còn nếu cha ông qua đời, ông sẽ vẫn trở về quê để tìm gặp cô ruột, thăm di tích dòng họ Lý Hoa Sơn. Nhưng ông cũng cẩn trọng cho rằng thống nhất hai miền sớm nhất có thể phải mất từ 7 - 10 năm nữa. Trong thời gian đó, ông vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin về người thân ở Triều Tiên. 

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy muốn bỏ cuộc, luôn tự nhủ với bản thân sẽ nỗ lực hết mình để tìm kiếm. Nếu không tìm được, tôi sẽ tiếp tục truyền lại nhiệm vụ cho con trai". 

Theo Trọng Giáp(VnExpress)