Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2018

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1064 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2018

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2018

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

          Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 4 năm 2018 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG THÁNG 4

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp

Trong tháng 4/2018, VCCI nhận được 30 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 4/2018 có nội dung liên quan đến các lĩnh vực cụ thể như sau:

1.1. Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính có 5 công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp hoặc với các nội dung: đóng thuế vãng lai của doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội thi công các công trình tại các tỉnh ngoài Hà Nội; hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư; xóa nợ phạt chậm kê khai thuế và thuế môn bài; việc cộng phí CIC, D/O, vệ sinh container vào giá trị hàng nhập khẩu; xác định lại số thuế giá trị gia tăng sau khi có kết luận thanh tra.

1.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 4 văn bản trả lời 7 kiến nghị doanh nghiệp với nội dung đa số về giải thích các quy định của pháp luật về đầu thầu (3/4 văn bản) như: thanh toán khối lượng công việc theo hợp đồng trọn gói; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu; thời gian thực hiện và điều chỉnh hợp đồng; chào hàng cạnh tranh rút gọn; chứng chỉ nghề hoạt động đấu thầu; áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp;… Các nội dung khác trả lời doanh nghiệp là: việc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh đối với chi nhánh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

1.3. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải có 2 văn bản trả lời 5 kiến nghị doanh nghiệp với nội dung: dừng gia tăng số lượng phương tiện đang hoạt động thí điểm ứng dụng khoa học, công nghệ  hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách vì đã quá nhiều; không mở rộng các tỉnh, thành phố ngoài phạm vi hoạt động thí điểm; xây dựng mới bộ phận nhận diện riêng cho các phương tiện hoạt động thí điểm; quy định xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm của công ty cung ứng phần mềm, doanh nghiệp vận tải sử dụng phần mềm kết nối; xử lý vi phạm do không có phù hiệu xe tải và các thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu xe tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An….

1.4. Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ có 2 văn bản trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp với nội dung: khó khăn trong việc thực hiện quy định cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng và cung cấp chứng từ cho khách hàng; hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cho Dự án “ Sản xuất hệ thống bạt che dùng trong nuôi trồng thủy sản” của công ty TNHH Đạt Minh Hà.

1.5. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có 2 văn bản trả lời 6 kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: tham gia BHXH đối với người đang hưởng lương hưu, người trên 60 tuổi; quyền lợi BHXH khi người lao động làm việc ở nhiều công ty khác nhau; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; quyền lợi BHXH của người lao động trong trường hợp chuyển công tác; hạch toán tiền lương của thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát; góp ý sửa đổi Nghị định số 44/2016/ NĐ-CP của Chính phủ.

1.6. Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng có 5 văn bản trả lời 5 kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: xây dựng công trình tạm cho công nhân thuê trong khu công nghiệp; quy định của pháp luật về thành viên ban quản trị nhà chung cư;  thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép quy hoạch; việc huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại; danh mục hồ sơ chủ đầu tư cần cung cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng để thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

1.7. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 văn bản trả lời 3 kiến nghị của doanh nghiệp với các nội dung: việc hoàn trả kinh phí đóng cửa mỏ than Quang Vinh – Thái Nguyên và trả tiền thuê diện tích đất 11.000  m2 được sử dụng là hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp của công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu Thái Nguyên; việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của dự án công trình chung cư Khánh Hội 2.

1.8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 2 văn bản trả lời 2 kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: việc sử dụng tài khoản ngoại tệ của Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; thanh toán không có tờ khai nhập khẩu.

 1.9. Một số bộ, ngành, địa phương khác:

- Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc hướng dẫn người có tài sản đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về thủ tục kiểm định máy nông nghiệp nhập khẩu.

- Bộ Y tế có văn bản trả lời kiến nghị Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam về các nội dung: quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế; quản lý đối với nhập khẩu thiết bị y tế không còn mới; phương pháp điều trị bệnh phù hợp với khả năng tài chính của người Việt Nam và một số vấn đề khác về quản lý thực phẩm.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc thành lập trường mầm non 100% vốn đầu tư Nhật Bản tuyển học sinh Việt Nam.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về nội dung đề nghị thanh toán đầy đủ khối lượng đã nghiệm thu công trình đường ô tô xã Trà Linh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh trả lời kiến nghị của công ty cổ phần Nông sản Đại Lộc về việc chính quyền địa phương cản trở việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

1.10. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 4/2018, VCCI nhận được 04 văn bản trả lời 05 kiến nghị của doanh nghiệp. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị.

- Công văn số 2055/BKHĐT-PTDN ngày 2/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải đáp kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nhằm đơn giản hóa thủ tục đấu thầu đối với các công trình quy mô nhỏ dưới 3 tỷ đồng. (Kiến nghị số 6, Báo cáo tháng 1/2018 số 0228/PTM-VP ngày 9/2/2018 của VCCI)

- Công văn số 746/BXD-PC ngày 9/4/2018 của Bộ Xây dựng về việc:

+ Có ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội in Việt Nam về việc không truy thu thuế mặt hàng tấm bản kẽm dùng cho công nghiệp in (Kiến nghị số 2, phụ lục 1, Báo cáo tháng 1/2018 số 0228/PTM-VP ngày 9/2/2018 của VCCI)

+Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu cát về việc rà soát về tình hình thực hiện xuất khẩu các loại cát. (Kiến nghị số 2, Phụ lục 1, Báo cáo tháng tháng 2/2018 số 0477/PTM-VP ngày 19/3/2018 của VCCI)

- Công văn số 1397/LĐTBXH-PC ngày 11/4/2018 của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội trả lời 17 vấn đề liên quan đến người lao động và Bộ luật lao động  do Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản kiến nghị (Kiến nghị số 1, Phụ lục 1, báo cáo VCCI tháng 10/2017 số 3121/PTM-VP ngày 20/11/2017) .

- Công văn số 1455/BHXH-ST ngày 26/4/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời kiến nghị không thu tiền bảo hiểm y tế đối với người lao động báo giảm chậm. (Kiến nghị số 5, Phụ lục 1, Báo cáo quý 4/2017 số 0139A/PTM-VP ngày 23/1/2017 của VCCI).

  1. Các kiến nghị Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

- Tháng 3/2018, VCCI nhận được 57  kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/4/2018, đã có 40 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 17 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều đã quá hạn trả lời.

- Tháng 4/2018 VCCI nhận được 36 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/4/2018, đã có 19  kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 17 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 3), trong đó có một số kiến nghị đã quá hạn trả lời.

     II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 4/2018, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- VCCI hoàn thành góp ý và tiếp tục góp ý 12 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định thay thế Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV; Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Thông tư về định mức tiêu thụ năng lượng dành cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản; Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV; Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện kết nối đường ray đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng và đường sắt quốc gia, việc kết nối ray các tuyến đường sắt đô thị; Thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; Thông tư quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ; Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường; Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030.

- Phối hợp với các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài chính, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ tổ chức Sơ kết hoạt động và công bố báo cáo khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết 19 của ngành thuế hải quan và báo cáo giám sát. Kết quả giám sát trực tiếp tại 12 cục thuế, hải quan và một số chi cục cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, một số công chức trong thực thi công vụ có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân. Cá biệt có nơi, có lúc còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Báo cáo kết quả cũng kiến nghị ngành thuế, hải quan cần tiếp tục cải cách về thể chế chính sách thì việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan cần tập trung vào các giải pháp như đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức về cải cách hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, đảm bảo thực hiện kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp; đồng thời công khai minh bạch quy trình, quy chế nâng cao hiệu quả giám sát…

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.  Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp nhằm khơi thông vốn tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, bởi đây là động lực phát triển kinh tế tương lai. Tại hội thảo, một số đại diện ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn trong việc cho vay DNNVV như:  nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch; hiệu quả đầu tư tín dụng với DNNVV chưa cao do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động còn tự phát, thiếu kế hoạch, sức chịu đựng rủi ro thấp…. Hội thảo kiến nghị: cần tiếp tục nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa;  cần có một khung khuôn khổ pháp lý để có cơ chế phát triển việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp; thay đổi phương thức cho vay để các nhà nông nghiệp có thể thế chấp vay vốn bằng chính mảnh đất của mình để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh...

- Tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật hình sự” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút đông đảo đại diện các cơ quan làm luật, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, và các luật sư sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp tham dự. Hội nghị đánh giá việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển. Đồng thời, các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Hội thảo đã cung cấp các thông tin cần thiết và bổ ích cho các doanh nghiệp và nhà quản lý về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khuyến nghị doanh nghiệp một số giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền sở hữu trí tuệ và tránh những nguy cơ trách nhiệm hình sự nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp bền vững.

- Tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018. Hội nghị có sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực. Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến liên kết doanh nghiệp thông qua các Hiệp hội còn hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, lãi suất ngân hàng; việc tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ các nguồn quỹ của nhà nước còn rất khó khăn; tình trạng chở hàng quá tải trên một số tuyến đường lại xuất hiện. Đặc biệt, tại các bến thủy nội địa, các sà lan vận chuyển hàng tập kết xếp lên xe vượt quá tải trọng từ 100 - 150%, khiến cho các doanh nghiệp chấp hành chở đúng tải có nguy cơ mất hàng do không cạnh tranh được với giá chở quá tải; phí bảo trì đường bộ hiện nay là quá cao …

- Tổ chức Hội nghị Giao ban Hiệp hội Doanh nghiệp và Doanh nghiệp Miền Trung- Tây Nguyên tại Đà Nẵng. Hội nghị đánh giá về hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực. Hiện trên địa bàn có 50 hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn đều phát huy được vai trò của mình. Tuy nhiên, khoảng cách về năng lực, hiệu quả hoạt động giữa các hiệp hội vẫn còn khá xa; số lượng hiệp hội chưa đi liền với chất lượng, giá trị gia tăng các tổ chức mang lại cho hội viên chưa như mong muốn. Sự kết nối, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong từng tỉnh và trong khu vực còn rời rạc, chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của mỗi hiệp hội. Hội nghị tập trung thảo luận giải pháp tháo gỡ nhiều vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, kiến nghị sớm thông qua Luật về Hội để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh: Phối hợp với IBLF Global hoàn thiện báo cáo hoạt động và báo cáo gửi Đại sứ quán Anh tại Hà Nội kết thúc dự án “Hỗ trợ DNNVV phòng, ngừa tham nhũng tại Việt Nam”; Hoàn thiện báo cáo đánh giá “Thúc đẩy Hành động Liêm chính Doanh nghiệp tại VN: từ nhận thức tới hành động”; thiết kế, in ấn và gửi trình Chính phủ; Hoàn thiện Kế hoạch đào tạo hướng dẫn ISO 37000 – Chống hối lộ trong doanh nghiệp tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Tham dự kỳ họp lần thứ 2 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC năm 2018 được tổ chức tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, từ 15-19/4/2018. Với tư cách Chủ tịch ABAC Việt Nam và đồng Chủ tịch ABAC, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đồng chủ trì toàn bộ kỳ họp, phiên họp của Hội đồng, các phiên thảo luận toàn thể; tham gia các nhóm chuyên đề, cuộc họp riêng các thành viên ASEAN và phiên họp những thành viên chủ chốt về tầm nhìn sau 2020. Ngoài việc tham gia các hoạt động của kỳ họp và có những đóng góp trong các phiên thảo luận, Chủ tịch và các thành viên ABAC còn có các buổi trao đổi riêng với Chủ tịch của các nhóm chuyên trách, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, và các thành viên ABAC của các nền kinh tế APEC nhằm tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong năm APEC 2017.

ABAC đã tiến hành các Phiên họp toàn thể và 5 phiên chuyên đề về (1) Hội nhập kinh tế khu vực, (2) Phát triển bền vững, (3) Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, (4) Tài chính và Kinh tế, (5) Công nghệ số và Sáng tạo. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu của các phiên họp, ABAC thống nhất và thông qua Thư và Khuyến nghị ABAC gửi các Bộ trưởng Thương mại APEC. Nội dung các khuyến nghị của ABAC bao gồm 7 vấn đề chính gồm: Chống lại chủ nghĩa bảo hộ và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan; Ứng phó với các quan điểm chống tự do hóa và toàn cầu hóa, làm rõ các vấn đề về tính bao trùm và những lợi ích của thương mại; Thúc đẩy các con đường để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái bình dương (FTAAP) và Tuyên bố Lima; Xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020; Củng cố các dòng vốn đầu tư khu vực; Đẩy mạnh việc thực hiện Lộ trình Năng lực Cạnh tranh về Dịch vụ của APEC; Khai thác internet và kinh tế kỹ thuật số để thúc đẩy tính bao trùm. Ngoài ra, ABAC còn khuyến nghị về 10 vấn đề gồm: Thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập của vùng sâu, vùng xa; Tăng cường kết nối; Thúc đẩy sự tham gia của MSME nhiều hơn và thành công trong thương mại xuyên biên giới; Tạo thuận lợi cho MSMEs tiếp cận nguồn tài chính; Phát triển cơ sở hạ tầng; Tăng cường an ninh năng lượng; Đẩy mạnh an ninh lương thực; Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; Thúc đẩy phát triển sáng tạo; Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua ngành công nghiệp khai thác.

Cũng nhân dịp kỳ họp, Chủ tịch VCCI đã có các cuộc gặp và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản, Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch Liên hiệp các nhà quản lý Nhật Bản (Keizai Doyukai), Chủ tịch Liên đoàn kinh tế vùng Kansai (Kan Keiren). Tại các cuộc gặp Chủ tịch VCCI đã thông báo về tình hình kinh tế Việt Nam, trao đổi các sáng kiến và biện pháp xúc tiến quan hệ thương mại – đầu tư của Nhật Bản với Việt Nam đặc biệt là các biện pháp triển khai thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với đối tác chiến lược như tinh thần đề án 25 được Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì. Các tổ chức doanh nghiệp của Nhật Bản rất hoan nghênh và sẽ có kế hoạch tổ chức các đoàn doanh nghiệp lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2018 với chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung” tại TP Sydney, Australia và khảo sát thị trường Newzeland. Đoàn gồm 38 đại biểu là các nữ lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế, dược phẩm, chăm sóc sắc đẹp, tái chế chất thải công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung: đánh giá tình hình thế giới, xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy, tác động của kỷ nguyên kỹ thuật số; phát triển công nghệ xanh, tận dụng internet và công nghệ thông tin trong kinh doanh; các mô hình kinh doanh mới; mở rộng thị trường toàn cầu cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; nâng cao vai trò của phụ nữ trong kinh doanh. Trong chuyến đi, ngoài các chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, VCCI phối hợp với Phòng Doanh nghiệp New South Wales (NSW Business Chamber) tổ chức diễn đàn kết nối kinh doanh với gần 100 doanh nghiệp hai nước tham dự, trực tiếp trao đổi và tìm kiếm nhu cầu hợp tác cụ thể trong lĩnh vực du học, du lịch, nhập khẩu mỹ phẩm hữu cơ, rượu vang, thực phẩm chức năng của Úc. Ngoài ra, đoàn có buổi thăm và làm việc với Phòng Thương mại Auckland để tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp Niu-di-lân. 

- Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Séc nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Công thương Séc tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam được Bộ Công Thương Séc chọn là một trong 12 thị trường xuất khẩu chiến lược đến năm 2020. Quan hệ hợp tác về ngoại giao, kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua liên tục đạt được nhiều kết quả tốt. Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU mà Séc là một thành viên tích cực dự kiến được ký trong năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư giữa hai bên. Với 65.000 người Việt đang sinh sống tại Séc, đây sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Séc cà phê, hạt tiêu, hoa quả, chè, cao su, hải sản, giày dép, dệt may, thủ công mỹ nghệ… Séc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng điện tử, máy móc, hoá chất, các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, cơ khí… Trong hai tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt gần 50 triệu USD, tăng 31 % so với cùng kỳ năm 2017.

- Tổ chức hội thảo "Các giải pháp tăng trưởng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại, thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải. Tại hội  thảo, các chuyên gia đã khuyến nghị doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện phát triển cho các ngành sản xuất xanh mới, đồng thời thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.

- Tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp và các thành viên Liên đoàn các Phòng Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (CACCI) . Tham dự buổi gặp gỡ có đại diện 30 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của các nước thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực dệt, may mặc, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, phân phối, chế biến thực phẩm, dược phẩm, hoá chất, phân phối sản phẩm công nghiệp, xây dựng, IT và du lịch... đến từ Australia, Ấn Độ, Nepal, Đài Loan (Trung Quốc)...  Việc hợp tác với CACCI sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường lớn và tiếp cận nhanh chóng với các doanh nghiệp là thành viên của CACCI. Hiện nay, VCCI đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động hội nhập khác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có CACCI để hướng tới một môi trường hợp tác thịnh vượng hơn, phát triển hơn, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung trên trường quốc tế.

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 4 năm 2018, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư;

- UBND TP Hải Phòng, tỉnh Phú Thọ;

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).   

 

 

 

 

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong Tháng 4/2018 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Giao Thông Vận tải  (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Lao Động Thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của Ngân hàng nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2018 của một số Bộ ngành địa phương khác  (Tải về)