30 năm đào tạo nghề của Việt Nam vẫn... ở "vạch xuất phát"

30 nam dao tao nghe cua viet nam van... o "vach xuat phat" hinh anh 1

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo BIDV.

Chia sẻ nghiên cứu về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam 20 năm trở lại đây, TS. Cấn Văn Lực nói: Lâu nay chúng ta cứ nói năng suất lao động của Việt Nam thấp, nhưng là thấp ở chỗ nào?

Năng suất lao động Việt Nam thấp gần nhất khu vực Châu Á

Để trả lời câu hỏi trên, bằng nghiên cứu cụ thể trong vòng 16-17 năm trở lại đây, TS. Cấn Văn Lực khẳng định NSLĐ của Việt Nam hiện nay không hề thấp. Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam năm 1991-2017 tăng bình quân 4,8%/năm; trong khi Singapore chỉ tăng 2,3%/năm, Malaysia tăng 2,7%/năm, Thái Lan tăng 3,4%/năm và Indonesia tăng 3,2%/năm. "Như vậy xét theo tốc độ tăng NSLĐ trong thời gian dài thì Việt Nam không hề thua kém các nước", ông Lực khẳng định.

Tuy nhiên, ông Lực cũng bổ sung, nếu xét theo con số tuyệt đối thì NSLĐ của Việt Nam lại rất thấp, thấp gần nhất trong khu vực Châu Á, chỉ cao hơn Băng-la-đet và Campuchia.

Nghiên cứu chi tiết của ông Lực chỉ ra: Khu vực có NSLĐ cao nhất Việt Nam là dịch vụ, có tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%/năm; sau đó là nông nghiệp tăng 3,5%/năm; công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,7%/năm.

Xét theo ngành, từ năm 2006-2017, 10 ngành thấp nhất về NSLĐ lần lượt là: Nông nghiệp, sau đó tới Làm thuê, thứ 3 là Quản lý nhà nước, thứ 4 Giáo dục đào tạo, thứ 5 là Bán buôn, bán lẻ, thứ 6 là Dịch vụ, thứ 7 là Xây dựng, 8 là Vận tải, kho bãi, thứ 9 là Ăn uống, cuối cùng là Công nghiệp chế biến chế tạo.

Giải thích lý do Công nghiệp chế biến chế tạo thấp, đứng hạng chót, ông Lực cho rằng, vì hàm lượng công nghệ trong lĩnh vực này còn thấp. Theo xếp hạng của tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới thì "mức độ tinh vi trong kinh doanh" của nước ta chỉ xếp thứ 100/137 nước. Có nghĩa là gần đứng cuối bảng về mức độ “tinh vi” trong sản phẩm.

Vì vậy, theo ông Lực thì nguồn để tăng NSLĐ về cơ bản phải là phát triển nội ngành, để nội ngành phải chiếm 69%, còn chuyển dịch cơ cấu chỉ đóng góp 31%.

Đào tạo nghề 30 năm vẫn ở vạch xuất phát

Phân tích nguyên nhân NSLĐ của Việt Nam thấp, theo ông Lực có 2 nguyên nhân chủ yếu là cơ cấu kinh tế thị trường chuyển đổi quá chậm; lao động trong nông nghiệp và phi chính thúc tỷ lệ quá cao. Cụ thể, lao động trong nông nghiệp chiếm 42%, trong khi ngành này chỉ đóng góp 15% trong GDP. Chất lượng lao động hiện nay quá thấp, được thế giới đánh giá chỉ đạt 3,97/7 điểm về chất lượng lao động và về lao động chất lượng cao thì số điểm này còn thấp hơn nữa.

Theo ông Lực, điểm nghẽn với NSLĐ của Việt Nam là đầu tư vào khoa học công nghệ còn ít. "Doanh nghiệp chỉ đầu tư 0,5% doanh thu cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong khi trung bình ở khu vực châu Á, con số này là 2%". Cũng vì thế mà năng lực sáng tạo của Việt Nam bị đánh giá rất thấp, chỉ đứng 77/100, mức độ cạnh tranh, hiệu quả càng tệ hơn, đứng thứ 91/133.

Một trong những điểm yếu nữa được ông Lực chỉ ra là lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề ở nước ta quá yếu kém “30 năm đào tạo nghề mà đến nay chưa có gì cả, tất cả gần như bằng 0, vẫn ở vạch xuất phát". "Trường đào tạo nghề Việt-Úc quê tôi chẳng thấy đào tạo gì, vẫn chỉ thấy đi làm thuê”, ông Lực lấy ví dụ.

Sau những nghiên cứu trên, theo ông Lực đã đề xuất giải pháp cho việc nâng cao NSLĐ trong thời gian tới: "Tất cả những yếu tố liên quan tới NSLĐ đều xoay quanh là con người, công nghệ, quy trình, phối kết hợp, và sắp xếp, bố trí. Chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, cần có chiến lược với cách mạng 4.0, trả lời câu hỏi “ứng dụng công nghệ 4.0 như thế nào?”.

Về quy trình chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không phải chỉ như hiện nay, làm mãi vẫn chậm, vẫn chưa theo kịp Thái Lan, Indonesia, ông Lực chia sẻ.

Cuối cùng, “việc phối kết hợp giữa các bộ ngành hiện nay còn hiện tượng đá bóng cho nhau”, điều này cần được thay đổi và việc sắp xếp, bố trí lại bộ máy công quyền cũng cần được làm nhanh và trúng hơn nữa, ông Lực nhấn mạnh.

Theo Dân Việt