CBAM khởi động tuyển sinh đào tạo “nghề kép” tại Đức chuyên ngành nhà hàng khách sạn

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao đang trở thành nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, sự kiện khởi động chương trình đào tạo nghề kép tại Đức do Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM)-đơn vị đào tạo trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết hợp với Tập đoàn Giáo dục SBH, diễn ra tại TPHCM đã thu hút đông đảo học viên và phụ huynh.
 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện 

Chương trình đào tạo nghề kép tại Đức được xem là cơ hội cho thanh niên Việt Nam, độ tuổi 18 – 27, tiếp cận chất lượng của nền giáo dục Đức. Không chỉ được trang bị nền tảng tiếng Đức chuyên sâu và kiến thức chuyên môn, trong khuôn khổ chương trình, học viên được học miễn phí vừa lý thuyết, thực hành và được nhận lương. Ngoài ra, học viên còn được hưởng những đãi ngộ khác trong thời gian đào tạo chuyên ngành nhà hàng khách sạn tại Đức, bao gồm: lương cơ bản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí trong suốt thời gian học nghề.

Sau tốt nghiệp, học viên được đảm bảo có việc làm ngay tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Đức, với lương khởi điểm từ 1600 - 2500 EUR/tháng. Mặc khác, nếu đáp ứng tốt công việc được giao sẽ nhận mức lương tương xứng và tăng dần theo kỹ năng. Đặc biệt, học viên còn được phép lao động hợp pháp và cư trú dài hạn tại Đức, có thu nhập và các chế độ đãi ngộ tương đương như người dân Đức bản địa.

CBAM ký kết đào tạo nghề kép cùng Tập đoàn Giáo dục SBH

Đối với những học viên gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) có kết hợp với công ty Công nghệ Tài chính NETFIN đưa ra giải pháp kêu gọi tài trợ từ các nguồn lực, nguồn vốn xã hội giúp các học viên của CBAM được tiếp cận nguồn tài trợ hoặc vốn vay ưu đãi, đảm bảo tài chính trong quá trình học tập. Về vấn đề hỗ trợ pháp lý, học viên sẽ nhận được sự tư vấn nhằm đảm bảo mọi quyền lợi theo luật cư trú tại Đức, thông qua đối tác của CBAM là Công ty Luật Anwealte am Osktreuz tại Đức.

Với phương châm “Trao chìa khóa, mở tương lai”, Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) cam kết sẽ là chiếc cầu nối giữa Việt Nam và Đức nhằm đem lại một chương trình đào tạo “nghề kép” chuyên sâu. Chương trình nghề kép ngành nhà hàng khách sạn có tính ứng dụng và thực tiễn cao thực sự trao tay cho học viên chiếc chìa khoá đắc lực, để mỗi học viên có thể tự tin mở cánh cửa tương lai của chính mình.

Chương trình đào tạo gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đào tạo tiếng Đức với chứng chỉ B2.1 tại Việt Nam. Giai đoạn 2 đào tạo tiếng Đức chuyên ngành tại Đức và giai đoạn 3, học nghề được hưởng lương cơ bản tại Đức. 

Chuyên ngành đào tạo “nghề kép” tại Đức được CBAM và SBH lựa chọn khởi điểm là các nghiệp vụ nhà hàng – khách sạn. Đây là những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại Đức và Châu Âu.

Bà Đỗ Thị Kim Liên – Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM, Hiệu trưởng trường CBAM chia sẻ: “Chúng tôi là tổ hợp của những khát khao, những ý tưởng đóng góp vào nền giáo dục hiện đại. Trong đó, yếu tố hấp dẫn là giáo dục song hành, kết hợp giữa học nghề trong môi trường thực tế tại một doanh nghiệp và tại trường dạy nghề. Theo đó, trên cơ sở làm việc tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, chương trình còn đào tạo lý thuyết nền tảng. Đây là dự án giáo dục mang tính thực tiễn tầm vĩ mô dành cho thế hệ trẻ Việt Nam. CBAM chúng tôi tạo sự đột phá về chất lượng nghề, chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Bà Đỗ Thị Kim Liên-Hiệu trưởng Trường CBAM trao tặng từ thiện cho học sinh nghèo tỉnh Phú Thọ trong chương trình

Đây cũng là chương trình mang tính chất hỗ trợ cho các bạn trẻ định hướng rõ nét về vấn đề nghề nghiệp. Đặc biệt nghề kép tại Đức là một lĩnh vực mà người Đức phát triển đầu tiên tại Châu Âu và đang rất thành công. Tại Việt Nam chúng ta có xu thế xem trọng về bằng cấp do đó sự  tiên phong của tôi có thể xóa đi phần nào tư duy thích bằng cấp đại học hoặc là cao hơn là kỹ năng...

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, "Với xu thế hiện nay, nền kinh tế thế giới chịu động mạnh mẽ của nền kinh tế cách mạng 4.0, nhu cầu về hệ thống giáo dục đào tạo, ngay cả ngành giáo dục đào tạo nghề cần rút ngắn thời gian đào tạo và dùng phương thức đào tạo tích hợp gắn kết được xưởng với các doanh nghiệp và học sinh, sinh viên để đảm bảo nâng cao tính ứng dụng của quá trình đào tạo.  

Điểm yếu của hệ thống giáo dục nghề tại Việt Nam hiện nay nói chung, thiếu tính thực hành, thiếu sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và với các doanh nghiệp, nên mô hình giáo dục đào tạo kép có hai chủ thể tham gia tích cực : nhà trường và xưởng (thực hành)…

Tôi cũng nghĩ trong thời gian tới đẩy mạnh giáo dục Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu, nâng cao trình độ cho người lao động Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần đưa ra những chính sách thúc đẩy các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Người sử dụng lao động nên tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá lao động, trở thành đối tác song hành"...

Theo Phạm Hùng(Báo DĐ DN)