“Gỡ khó" cho doanh nghiệp Việt Nam trong ngành du lịch

Nhiều tiềm năng hợp tác


Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Đánh giá cao những cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” do VCCI tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Chương trình này là một cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản có thể đẩy mạnh hợp tác và đầu tư trong các lĩnh vực như giáo dục, du lịch, vận tải hàng không và bán lẻ. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư”.


Ông Michito Takemura- Phó Chủ tịch ANA Holdings Inc.

Đồng tình với quan điểm này của ông Hoàng Quang Phòng, chia sẻ về mong muốn hợp tác đầu tư trong thời gian tới, ông Michito Takemura- Phó Chủ tịch ANA Holdings Inc cho biết: “Với những lợi thế về mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu năm, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực du lịch và vận tải hàng không”.

Được biết, hiện nay, ANA là một trong những tập đoàn hàng không hàng đầu của Nhật Bản và cũng là tập đoàn duy nhất cung cấp dịch vụ vận tải bằng trực thăng đang có hoạt động đầu tư vào Vietnam Airlenes với mức đầu tư trị giá 100 triệu USD.

Năm 2017 cũng là năm Việt Nam ghi nhận những con số đạt “đỉnh” cao về số khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam. Cụ thể, có 800 nghìn lượt khách du lịch tới Việt Nam trong năm 2017, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê, tính đến tháng 2/2018, số lượt khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt gần 138 nghìn lượt, tăng 91,7% so với tháng 1/2018 và tăng 104,1% so với tháng 2/2017.

Hiện nay, ở khu vực châu Á, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của người Nhật Bản sau Thái Lan.


Ông Trần Đức Phương - Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Phú Thái.

Ngoài ra, theo ông Trần Đức Phương - Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Phú Thái: “Với dân số ngày càng gia tăng, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng cao, nhu cầu đi lại của người dân không chỉ dừng lại ở nhu cầu du lịch mà đó còn là nhu cầu đi công tác và nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh, và Nhật Bản là một trong những nước được người dân Việt Nam ưu tiên lựa chọn để thực hiện các nhu cầu này”.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh nhu cầu du lịch đang gia tăng đột biến theo từng tháng thì những nhu cầu khác cũng có xu hướng ngày càng gia tằng. Trong khi đó số lượng chuyến bay thẳng thì hạn chế.

Giải quyết thách thức


Toàn cảnh chương trình đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Được biết, hiện nay, số lượng chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ có một số hãng như Japan Airlines, ANA, Vietnam Airlines, và Vietjet. Và với hãng ANA của Nhật Bản đang khai thác với tần suất 6 chuyến bay/ngày từ Nhật Bản sangViệt Nam và theo chiều ngược lại hãng Vietnam Airlines khai thác 17 chuyến/ngày. Tuy nhiên, rõ ràng những con số này chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân. Bên cạnh đó thì câu chuyện về giá cũng là điều đang được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Theo bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc, công ty du lịch Vietravel: “Bên cạnh số đường bay thẳng thì giá vé của các chuyến bay này cũng chưa thực sự là tốt đối với người tiêu dùng Việt Nam”.

Ngoài ra, cũng theo bà Hương, để có thể tăng cường thu hút khách du lịch Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, thì thủ tục xin visa cũng đang thực sự là một khó khăn. “Thủ tục xin visa của Nhật Bản cũng là khá ngặt nghèo và rườm rà. Ngoài ra, các tour du lịch của Nhật Bản hiện nay mới chỉ tập trung vào các địa điểm du lịch quen thuộc mà khách du lịch Việt Nam nếu đã đi rồi sẽ không có nhu cầu đi lại như Tokyo, núi Phú Sỹ, Fukusima..." - Bà Lê Hương cho biết.

Trước những khó khăn này của doanh nghiệp Việt Nam, ông Takemura cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiểm các cơ hội hợp tác mới với doanh nghiệp Việt Nam cũng như tăng cường mở rộng thêm các đường bay mới, bay thẳng. Nếu như có nhiều chuyến bay, và đường bay hơn giá thành cũng sẽ được cải thiện”.

Nhiều cơ hội hợp tác đã được mở ra, giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, bên cạnh lĩnh vực du lịch, thì giáo dục và bán lẻ cũng được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm thúc đẩy đầu tư.

Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Với những lợi thế và lịch sử hợp tác, chương trình “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp hai bên thắt chặt cơ hội hợp tác hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết.

Theo Ngọc Hà(Báo DĐ DN)