Công nghiệp 4.0 Doanh nghiệp Việt đang đứng ở đâu?

TS. Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương:
Nhà nước cần song hành cùng doanh nghiệp

CM 4.0 là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, DN biết và ứng dụng thế mạnh của công nghệ sẽ có năng lực cạnh tranh vượt trội.  Tuy nhiên, những hình dung về viễn cảnh thực sự của cuộc CM 4.0 này để chuẩn bị và nhập cuộc không chỉ đặt ra những bài toán khó cho cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cả đối với cộng đồng DN. Nhiều DN còn rất bị động với các xu thế mới, họ không hiểu bản chất của CM 4.0, chưa thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng... Với trình độ công nghệ hiện nay, DN Việt chắc chắn rất khó tham gia vào chuỗi công nghệ của thế giới, nếu để DN “tự bơi” sẽ rất khó làm được.

 
 
     
khai
TS. Lưu Đức Khải
 

 Rõ ràng, DN Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi của thế giới, mà phải theo xu hướng chung, đòi hỏi DN đáp ứng rất nhiều điều kiện như: Trình độ, kỹ thuật và con người. Đặc biệt, DN phải xác định vị trí của mình trong chuỗi giá trị đó. Nếu DN của Việt Nam không xác định được chiến lược và vị trí của mình trong cuộc chơi này thì sẽ rất khó để trụ vững và tận dụng những lợi ích từ cuộc CM 4.0. 
Để thích ứng với cuộc CM 4.0, các DN cần nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất và ứng dụng chúng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. DN phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin. Cần quy trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của DN, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn, từ đó mới áp dụng được các ứng dụng thông minh, tinh vi, tiện ích hơn của IoT, Cloud, Robot.
Bên cạnh đó, trong cuộc CM 4.0, Việt Nam cần phát huy hơn nữa lợi thế của mình là trí tuệ và chất xám, chứ không phải lao động giá rẻ. Nhà nước cần tính toán và có chiến lược trong đào tạo thì mới đáp ứng yêu cầu của cuộc CM 4.0. Có thể đào tạo theo hình thức cho lao động Việt Nam tham gia vào công việc quản lý, sử dụng công nghệ của các DN lớn để họ tự học; hình thức đào tạo thứ hai là mời những người nghỉ hưu từng làm các công ty công nghệ lớn của các nước có ngành công nghệ phát triển sang hướng dẫn thực hành.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và tư duy (Bộ Khoa học và Công nghệ): 
Doanh nghiệp cần bỏ tư duy “công nghệ chỉ là cái phòng IT”

Để bắt kịp với những thay đổi do cuộc CM 4.0 mang lại, điều tiên quyết các DN Việt phải làm là cần thay đổi tư duy. 

Sự thay đổi chính mình là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì thiết bị và công nghệ có cao cấp, hiện đại đến mấy nhưng DN không chịu thay đổi thì không thể mang lại giá trị. Sự quyết định này phụ thuộc vào chính các lãnh đạo DN chứ không phải ai khác. Các DN của chúng ta vẫn làm excel, vẫn đóng dấu bằng tay với rất nhiều thủ tục rườm rà, trong khi DN nước ngoài đã dùng công nghệ số, phương thức online trực tuyến. Trong thời đại kỷ nguyên số và CM 4.0, sự thay đổi không chỉ là công nghệ mà chính là con người.

 
 
   
hoa
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa
 

 Trong bối cảnh này, nếu DN nào còn coi công nghệ thông tin chỉ là một “cái phòng IT” thì sẽ không phát triển được và thực tế Việt Nam đang có lợi thế lớn về hạ tầng công nghệ thông tin. So với thế giới, hầu hết các chỉ số của Việt Nam được đo đều nằm ở top cuối. Tuy nhiên, một chỉ số luôn đứng số 1 trong 5 năm qua trên thế giới chính là sự tăng trưởng phương tiện smart phone và internet, không một quốc gia nào có tốc độ tăng trưởng smart phone 80% mỗi năm và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Cùng với đó, hạ tầng internet, cáp của Việt Nam được đầu tư khủng khiếp tạo ra một thị trường “free wifi”. Sự tăng trưởng này dường như là lãng phí, nhưng nếu biết tận dụng ưu điểm này thì Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn. 

Từ thực tế này, không có cách nào khác là phải số hóa DN, thay đổi phương thức kinh doanh và phải đi vào chiến lược phát triển của công ty. Song điều này vẫn còn rất mơ hồ đối với rất nhiều DN tại Việt Nam. Do đó, điều quan trọng là các DN phải trực tiếp tham gia vào, tự xây dựng nền tảng cho mình. Tuy nhiên, mỗi ngành sẽ có phương thức áp dụng khác nhau, có những ngành cuộc cách mạng này đã đến rất gần, nhưng cũng có ngành còn rất xa. 

Tham gia công tác tại Bộ Khoa học và Công nghệ gần 10 năm nay, tôi thật sự đã rất lúng túng với cách tiếp cận khoa học và công nghệ của Việt Nam cho đến khi chúng tôi phát hiện ra kỷ nguyên số. Hiện chúng tôi với các nhà khoa học đang bằng mọi cách chuyển tri thức thành số hóa, làm sao các ứng dụng này phải cực kỳ đơn giản, dễ hiểu như chơi facebook. Nếu làm được như vậy khoa học - công nghệ và tri thức sẽ giúp cho DN phát triển cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt :
"Vũ khí" cạnh tranh chủ lực của công ty chứng khoán

CM 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ và toàn diện đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, CM 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn.

Do vậy, ngành Tài chính – Ngân hàng cũng không ngoại lệ, thậm chí còn có thể nhận sự tác động sớm và mạnh mẽ hơn từ CM 4.0. Điều này không những tạo áp lực phải thay đổi cho các DN, mà đối với cơ quan quản lý cũng cần chủ động để áp dụng.

 
 
     
thanh
Ông Nguyễn Tiến Thành
 

 Với các DN hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán như chúng tôi, việc chủ động tiếp cận, xây dựng và ứng dụng các thành tựu của CM 4.0 là một trong những yêu cầu hàng đầu. Bởi tất cả trường phái đầu tư trên thị trường từ phân tích cơ bản đến kỹ thuật, “lướt sóng” hay đầu tư giá trị đều phải dựa trên việc xử lý các thông tin liên quan đến cổ phiếu đó. Việc tự động hóa trao đổi dữ liệu, những mô hình trí tuệ nhân tạo tài chính, giao dịch robot đã và đang phát triển tại các thị trường ở các nước phát triển. Điều đó không có nghĩa là tại Việt Nam, chúng ta không nắm bắt được xu hướng ứng dụng này. Theo quan điểm của tôi, công nghệ giao dịch chứng khoán như tự động hóa giao dịch theo chỉ dẫn thuật toán của con người, trao đổi dữ liệu tự động ... là “pha đầu” trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Những năm gần đây, các ứng dụng giao dịch mà các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp không chỉ đơn thuần trong việc đặt lệnh, tra soát thông tin tài khoản mà còn cung cấp các giải pháp tư vấn, thu thập thông tin, tự động hóa giao dịch theo mục tiêu của khách hàng. 

Hiểu được tầm nhìn quan trọng đó, với CTCK Tân Việt (TVSI), ban lãnh đạo luôn xem ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng, xu hướng của CM 4.0 là một “vũ khí” sắc bén để tăng cường cạnh tranh, thu hút khách hàng và gia tăng thị phần. Trên thực tế, TVSI là một trong không nhiều các CTCK tại Việt Nam đã sớm đưa những ứng dụng giao dịch cài đặt trên các thiết bị di động và nền tảng web có những tính năng cao cấp trong tự động hóa giao dịch, thu thập thông tin thị trường, dữ liệu tài chính liên quan đến mã cổ phiếu, phong cách đầu tư của từng nhà đầu tư. Để làm được điều này, TVSI đã phải trải qua giai đoạn đầu tư nền tảng công nghệ giao dịch ban đầu trên web, ứng dụng cài đặt mạng đảm bảo cung cấp cho nhà đầu tư giải pháp trực tuyến toàn diện. 

Hiện nay, hệ thống quản trị khách hàng (CRM) mà chúng tôi dày công nghiên cứu, xây dựng đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm đã dần thể hiện được những ưu thế, giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Tôi hy vọng, trong năm 2018 này những năm tiếp theo, “trí tuệ tinh hoa” mà TVSI xây dựng sẽ giúp cho số đông nhà đầu tư của công ty có ưu thế thông tin và hiệu quả giao dịch vượt trội so với bình quân thị trường.

Theo Mai Đan -  Duy Thái(Thời báo tài chính)