Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2017

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0139A/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2017

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2018

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 4 năm 2017 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG QUÝ 3/2017

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp

- Trong tháng 10/2017, VCCI nhận được 47 văn bản của 14 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 3121/PTM-VP ngày 20/11/2017 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 10/2017).

- Tháng 11/2017, VCCI nhận được 40 văn bản của 15 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 3353/PTM-VP ngày 14/12/2017 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 11/2017).

- Tháng 12/2017, VCCI nhận được 27 văn bản của 10  bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này chủ yếu do Văn phòng Chính phủ tập hợp thông qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Tổng cộng trong quý 4/2017, VCCI nhận được 114 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35.

Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 12/2017 cụ thể như sau:

1.1. Bộ Giao thông Vận tải

Bộ Giao thông Vận tải có 3 công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: Xin gia hạn niên hạn xe taxi; trả lời và hướng dẫn quy định liên quan đến cấp phù hiệu đối với công ty 100% vốn nước ngoài; tạo điều kiện để hỗ trợ cấp phép hoạt động xe điện tại TP Sầm Sơn ( chuyển UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết theo thẩm quyền).

1.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 8 công văn trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp với các nội dung: hướng dẫn pháp luật về đầu thấu; thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư; đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP; xây dựng hệ thống pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam…

1.3. Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính có 7 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp với nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan như: thủ tục tạm nhập, tái xuất mặt hàng mỹ phẩm, thuốc uống phục vụ thuyền viên người nước ngoài; việc khởi tố vụ án, bị can đối với ông Đặng Tiến Đức, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Thủy (Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi trốn thuế; việc thông quan hàng hóa kéo dài đối với nhập khẩu trang thiết bị y tế của công ty cổ phần Tân Việt Mỹ. Ngoài ra còn một số nội dung khác như: quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; việc quyết toán đối với gói thầu hợp đổng theo hình thức hợp đồng trọn gói; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ Ban QLDA nhóm II…

1.4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội      

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 2 văn vản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: Chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động; hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

1.5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 2 công văn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung: tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và người quản lý công ty TNHH một thành viên do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ; tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

1.6. Một số bộ, ngành, địa phương:

- Bộ Công Thương có văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp về các nội dung: việc thực hiện kiểm tra hiệu suất dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm động cơ điện.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản trả lời kiến nghị của công ty Đức Minh về đề xuất bãi bỏ việc đăng ký thức ăn chăn nuôi lưu hành trên toàn quốc và mỗi sản phẩm có một tiêu chuẩn chất lượng chỉ được đặt một tên thương mại tương ứng.

- Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản rả lời kiến nghị của công ty cổ phần đầu tư, phát triển điện lực về việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế “ Trạm biến áp một cột” theo bằng độc quyền sáng chế số 16461.

- Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của công ty cổ phần Thiên Nam về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cát nghiền nhân tạo trong sản xuất bê tông và vữa từ đá kết thải từ hoạt động khai thác than thay thế cát tự nhiên.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tư nhân Phương Thao về quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đến việc xin đầu tư xây dựng của hàng kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

1.7. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 10/2017, VCCI nhận được 8 văn bản trả lời 10 kiến nghị, tháng 11/2017, VCCI đã nhận được 9 văn bản trả lời 11 kiến nghị, tháng 12/2017 VCCI chỉ nhận được 3 văn bản trả lời 3 kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này do VCCI tập hợp gửi các bộ, ngành từ tháng 5/2017 đến hết tháng 11/2017. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị.

Như vậy, hết ngày 30/12/2017, còn 20 kiến nghị VCCI đã gửi chưa nhận được văn bản trả lời gồm:

- 04 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo số 1389/PTM-VP ngày 13/6/2017 của  VCCI tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5/2017 thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương.

- 02 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo quý 2 số 1680/PTM-VP ngày 14/7/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Ngoại giao

- 03 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 7 số 2047/PTM-VP ngày 21/8/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Tài chính, và UBND các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn.

- 01 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 8 số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

- 02 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo quý 3 số 2708/PTM-VP ngày 20/10/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Công an và UBND TP Hà Nội

- 03 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 10 số 3121/PTM-VP ngày 20/11/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các Bộ:  Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế, Giao thông Vận tải và Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- 05 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo tháng 11 số 3353/PTM-VP ngày 14/12/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các Bộ: Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và UBND tỉnh Đắk Lắc, Phú Thọ

  1. Các kiến nghị Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

- Trong tháng 10/2017, VCCI nhận được 130 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 31/12/2017, đã có 106 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 24 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều quá hạn trả lời.

- Tháng 11/2017, VCCI nhận  được 76 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 31/12/2017, đã có 47 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 29 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều quá hạn trả lời.

- Tháng 12/2017 VCCI nhận được 36  kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 31/12/2017, đã có 20   kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 16 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 3), trong đó có một số kiến nghị đã quá hạn trả lời.

- Trong quý 3/2017, VCCI nhận được 242 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Qua theo dõi của VCCI, đến hết 31/12/2017, đã có 173 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời chiếm 71,5%. Còn 69 kiến nghị chưa được trả lời chiếm 28,5%. Đa số các kiến nghị này đều đã quá hạn trả lời do Văn phòng Chính phủ quy định, nhiều kiến nghị được Văn phòng chính phủ có công văn nhắc nhở nhưng bộ, ngành, địa phương vẫn chưa trả lời.

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về một số cải cách của Chính phủ:

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,81% và cũng là mức tăng cao nhất trong những năm qua. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt. Trong năm 2017 các bộ, ngành đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính. Cùng với những chỉ số ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán; tăng trường xuất khẩu, tăng trưởng du lịch, tăng dự trữ ngoại hối, sự ổn định giá trị đồng Việt Nam... cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố.

Đặc biệt năm 2018, Chính phủ  xác định siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ theo phương châm hành động “10 chữ”: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu trong năm 2018:

- Các bộ ngành, địa phương phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

- Các địa phương phải đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật; chủ động gửi các phản ánh, kiến nghị về bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo thẩm quyền, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.

- Các cơ quan hành chính nhà nước cắt giảm các cuộc họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo không cần thiết; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và giảm chi phí cho doanh nghiệp; xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

- Phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng năm 2018 môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện thuận lợi, tạo niềm tin và điều kiện để sản xuất, kinh doanh phát triển hơn nữa.

Trong quý 4/2017, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao một số động thái cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con của Chính phủ và một số bộ, ngành như:

- Bộ Y tế dự kiến trình Chính phủ đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) gồm 5 nhóm: (1) Điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016. (2) Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm. (3) Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. (4) Quảng cáo thực phẩm. (5) Xác nhận kiến thức về ATTP.

Cụ thể, sẽ bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện với cơ sở kinh doanh thực phẩm; bãi bỏ 8 điều kiện với cơ sở sản xuất kinh doanh (SX - KD) thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bãi bỏ  điều kiện đối với cơ sở SX-KD phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bãi bỏ 9 điều kiện đối với SX-KD nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. So với Nghị định số 38/2012, dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ như Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với sản phẩm nhập khẩu; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với sản phẩm nhập khẩu; Kế hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm; Mẫu sản phẩm...

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 điều kiện kinh doanh, đồng thời sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu đối với cá nhân trong doanh nghiệp, chiếm 44,7% điều kiện kinh doanh đang quản lý.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh, chiếm 34,2% điều kiện kinh doanh đang quản lý. Trong đó, bãi bỏ 65 điều kiện kinh doanh, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. 

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cam kết cắt giảm các rào cản, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng được thực hiện.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 4 năm 2017, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- Đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật chăn nuôi; Luật quản lý; Luật dân quân tự vệ; Luật An ninh mạng… và nhiều văn bản dưới luật khác.

- Phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận đề xuất các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số  hoạt động nổi bật như:

+  Tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển Bền vững” với sự tham dự của khoảng 350 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài nước. Diễn đàn tập trung thảo luận về: Sự cần thiết của việc thúc đẩy và nhân rộng các giải pháp/mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình Nghị sự 2030; Huy động sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng các mô hình kinh doanh bền vững… Diễn đàn cũng là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

+ Tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên toàn quốc. Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ được cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trong nền kinh tế số và áp dụng các công cụ truyền thông xã hội trong thương mại điện tử. Những vấn đề doanh nhân nữ phải đối mặt và cần đổi mới tư duy để thích ứng, tận dụng cơ hội do nền kinh tế số và thương mại điện tử mang lại cũng được thảo luận tại diễn đàn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân nữ xây dựng chiến lược phát triển, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

+ Phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” nhằm chỉ ra những rào cản, khó khăn thách thức mà thành phần kinh tế tư nhân đang gặp phải, qua đó tìm ra giải pháp hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, ổn định và hiệu quả. 

 + Phối hợp cùng Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên 2017 (VBF) kỳ cuối năm 2017 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cũng đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, một số tổ chức quốc tế và Hiệp hội doanh nghiệp trong nước. VBF đã tập trung thảo luận những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất và cải cách thủ tục hành chính. VBF kỳ cuối năm 2017  cũng là kỳ diễn đàn đánh dấu 20 năm thành lập VBF. Kể từ khi VBF được chuyển giao từ cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế sang cho VCCI và 16 Hiệp hội doanh nghiệp chủ trì tổ chức, VBF đã đề cao vai trò của khu vực tư nhân và được coi là bước tiến quan trọng. Trong đó, sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua có đóng góp quan trọng của VBF. Tại diễn đàn VBF lần này, các hiệp hội đã kiến nghị 145 khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Các kiến nghị này đều đều được các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết.

+ Phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế tổ chức  Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan khu vực phía Bắc tại Hà Nội vào ngày 27/11/2017 và khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/11/2017. Tham dự hai Hội nghị có gần 1000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: cung cấp thông tin tổng hợp về các thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai tổ chức khóa đào tạo về Bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các tỉnh.

+ Phối hợp Bộ Lao động Thương binh và xã hội Tổ chức Hội nghị Người sử dụng Lao động 2017 với chủ đề “Đối thoại với doanh nghiệp về nghiên cứu chính sách lao động, tiền lương và BHXH”.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Đã tổ chức thành công các sự kiện trong năm APEC 2017.

+ Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, VCCI đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 với sự chủ trì của Chủ tịch VCCI, Chủ tịch APEC CEO SUMMIT Vũ Tiến Lộc; sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; sự tham dự của Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Rosler và Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cùng gần 2.000 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế,  trong đó có 1100 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước. Hội nghị đã tạo cơ hội cho các  doanh nghiệp Việt Nam tham dự tiếp xúc trực tiếp và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo và tổng giám đốc doanh nghiệp hàng đầu khu vực, đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS đã tập trung bàn về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. VBS bao gồm 3 phiên, có chủ đề lần lượt là: "Việt Nam – Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững"; "Việt Nam – Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp" và các hội thảo chuyên đề, với chủ đề bao gồm: Nông nghiệp bền vững, Tài chính cho phát triển, Y tế và giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh đầu tiên của Việt Nam và cũng là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay.

+ Chủ trì phối hợp với Ban Thư ký quốc gia APEC tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (APEC CEO SUMMIT) trong ba ngày từ ngày 8-10/11. Đây là sự kiện quan trọng nhất của các doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với hơn 2100 đại biểu tham dự, trong đó có 1200 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước. Đây là một hội nghị lớn nhất trong lịch sử tổ chức các hội nghị APEC CEO Summit (vượt xa con số 1500 đại biểu của APEC CEO Summit tại Trung Quốc vào năm 2014,  1000 đại biểu tại Nhật (2010), 1000 đại biểu tại Hoa Kỳ (2011), 700 đại biểu tại Nga (2012), 1000 đại biểu tại In-đô-nê-xia (2013), 800 đại biểu tại Phi-lip-pin (2015) và gần đây nhất tại Peru (2016) với 1200 đại biểu). Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Ngoài ra, nhiều nguyên thủ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng tham gia phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp APEC như: Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng New Zealand... với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Hội nghị đã tập trung thảo luận những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của chính phủ và các công ty trong việc bảo đảm người lao động được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai. Các đại biểu cũng thảo luận dưới nhiều lăng kính khác nhau về các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm trên toàn cầu. Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp khuyến nghị:  đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế;  các chính phủ cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.

Song song với chương trình Hội nghị chính, VCCI đã tăng cường xúc tiến các cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ và Lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp xúc doanh nghiệp song phương. Cụ thể, VCCI đã tổ chức các cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng và đoàn lớn trong đó có các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc (7/11); cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC (8/11); hỗ trợ các địa phương gặp gỡ với các tổ chức quốc tế, các đoàn doanh nghiệp lớn của khu vực. Các hoạt động của doanh nghiệp trong tuần lễ cấp cao APEC diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Trong giai đoạn này, 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế.

- Tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp và nhiều hoạt động nhân kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 như:

+ Tổ chức đoàn doanh nghiệp bao gồm hơn 100 đại biểu chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Đồng thời, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình Đối thoại và nghệ thuật tổng hợp với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam: Tổ quốc gọi tên mình”.

+ Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu: “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016” – Cúp Bông Hồng Vàng tặng cho 100 nữ doanh nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong điều hành, quản lý doanh nghiệp; tích cực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng.

+ Tổ chức Lễ công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2017, trao giải thưởng CSI cho 100 doanh nghiệp. Việc xếp hạng được Ban Tổ chức dựa trên cơ sở Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index-CSI) là bộ tiêu chí do VCCI cụ thể hóa và xây dựng phù hợp với Việt Nam từ bộ tiêu chí của Liên Hiệp Quốc. CSI được xây dựng như là thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội, phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội trong nước cũng như thông lệ quốc tế. CSI còn là một công cụ để ghi nhận các mục tiêu đo lường và quản lý các thay đổi nhằm làm cho hoạt động của doanh nghiệp được bền vững hơn. 

+ Phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017. Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh mối quan hệ tốt đẹp giữa người sử dụng lao động và người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế trước những thách thức hội nhập.

- Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc tại các nước của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo các nước thăm và làm việc tại Việt Nam hoặc đoàn doanh nghiệp của các nước đến tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác ở Việt Nam. Một số hoạt động nổi bật như sau: tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi dự Hội nghị cấp cao ASEAN và tham dự Hội nghị thượng đỉnh  Thương mại và Đầu tư ASEAN (ABIS), sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các Hội nghị Cấp cao khác có liên quan; tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia” nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovakia; tổ chức diễn đàn Việt Nam – Nigeria; tổ chức Diễn đàn hợp tác Công nghiệp Việt Nam – Đài Loan ; Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga…

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 4/2017, VCCI tiếp tục tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để chuyển tải đến các bộ, ngành địa phương. Qua theo dõi, VCCI nhận thấy có một số vấn đề nổi bật doanh nghiệp kiến nghị trong quý 3 như sau:

- Việc tăng lương tối thiểu vùng, chi phí bảo hiểm xã hội cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

- Việc đấu thầu thuốc và thanh toán chi phí báo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt nam còn nhiền bất cập.

- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản kiến nghị nhiều về việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế theo Nghị định 38/NQ-CP đang được Bộ Y tế sửa đổi.

- Doanh nghiệp tiếp tục có nhiều vướng mắc cụ thể về chính sách thuế, gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan.

- Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định về đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, ngành sản xuất của các địa phương.

Trong tháng 12  năm 2017, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 4/2017 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của Bộ Lao động thương binh và xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 4/2017 của một số bộ, ngành, địa phương khác (Tải về)