Chung tay hiện thực hóa mô hình nền kinh tế tuần hoàn


Toàn cảnh Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến Zero Waste to Nature.

Sáng nay đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến “Zero Waste to Nature” giữa Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (UVN), Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (CCBVL), và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow).

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam, VBCSD-VCCI đã tiên phong xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Phát biểu tại Lễ ký kết, Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD chia sẻ: “Mục tiêu của chương trình là đề xuất các khuyến nghị về chính sách giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, đồng thời giới thiệu những thông lệ tốt của các doanh nghiệp trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công – tư”.

Cũng theo ông Vinh, tất cả những điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại, và sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Đồng tình với ông Nguyễn Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết: “Việc tham gia ký kết hợp tác sáng kiến “Zero Waste to Nature” nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn được chung tay để cùng đẩy mạnh việc hiện thực hóa mô hình nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.

Trong những năm vừa qua, các nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường – sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.

Đánh giá cao sáng kiến của VBCSD-VCCI, ông Tomoyuki Sasama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam (Dow) chia sẻ: Sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” rất phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Dow vào năm 2025, trong đó có mục tiêu quan trọng là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, và kêu gọi sự cộng tác của các tổ chức liên quan để học hỏi, hợp tác, trao đổi và xây dựng năng lực nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhanh hơn”.

Ngoài ra, ghi nhận sự tiên phong trong quá trình xây dựng chương trình hợp tác công- tư trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ông Sanket Ray, Tổng Giám Đốc Coca-Cola Việt Nam nhận định: “Thông qua sự kiện ký kết hợp tác này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cùng nhau giải quyết các vấn đề về môi trường và tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế trong tương lai”.

Trong số 17 mục tiêu toàn cầu (SDGs) do 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, có đến 2/3 các mục tiêu liên quan đến môi trường – một vấn đề đã thực sự trở nên cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo đó, tăng trưởng xanh được xem như lời giải cho câu hỏi “Làm thế nào để sự phát triển ngày hôm nay không ảnh hưởng đến thế hệ mai sau?”. Việc hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh sẽ không chỉ cần đến vai trò của Chính phủ, các tổ chức phát triển mà còn cần đến đóng góp hết sức quan trọng của khối doanh nghiệp, bởi mỗi hoạt động của doanh nghiệp đều tạo ra những tác động nhất định đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như sự phát triển của quốc gia.

Theo đó, nếu cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống - nơi tài nguyên bị khai thác, sử dụng để sản xuất hàng hóa và vứt bỏ sau sử dụng – thì thế giới sẽ phải đối mặt với hàng loạt mối nguy tiềm tàng về kinh tế, xã hội, môi trường.

Theo Ngọc Hà - Đinh Thanh(Báo DĐ DN)