Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2017

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 3353 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2017

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2017

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11 năm 2017 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG THÁNG 11

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp

Trong tháng 11/2017, VCCI nhận được 40 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 10/2017 có nội dung liên quan đến các lĩnh vực cụ thể như sau:

1.1. Bộ Công Thương

Bộ Công Thương có 2 văn bản trả lời kiến nghị cuả doanh nghiệp về các nội dung: Góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và thủ tục khai báo hóa chất.

1.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 13 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp với nội dung đa số (9 văn bản) là hướng dẫn pháp luật về đấu thầu như: Tính hợp lề  của đơn kiến nghị trong đấu thầu; hướng dẫn lập đơn giá dự thầu; chứng minh nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu; tiêu chí đánh giá nhân sự chủ chốt khi tham gia dự thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu đối với nhà thầu phụ… Các văn bản còn lại ( 4 văn bản) trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc: Tạo mặt bằng cho khởi nghiệp theo Đề án “ Văn phòng khởi nghiệp Việt Nam”; Xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư; Phân loại doanh nghiệp theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP…

1.3. Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính có 9 văn bản trả kiến nghị của doanh nghiệp với các nội dung đa số liên quan đến lĩnh vực Thuế, Hải Quan ( 7 văn bản) như: Việc hoàn thuế của công ty Tôn Hoa Sen, kiểm tra, xác định trị giá sau khi tham vấn mà không thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan; Đề nghị cập nhật đầy đủ thông tin của người dân và doanh nghiệp nộp thuế; Thủ tục nhận hàng hóa tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài; Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thu đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên…

1.4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 3 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp về các nội dung: Đề nghị bỏ danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam; Đơn giản hóa thủ tục hành chính về truy xuất nguồn gốc trong hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; Cách tính chi phí lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của dự án nâng cấp khẩn cấp đê tả sông Văn Úc đoạn từ K15+000 đến K19+500 huyện An Lão, thành phố Hải Phòng

1.5. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp với nội dung: Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn chất thải nguy hiểm; Khoanh định khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đá thạch anh tại Lâm Đồng.

1.6. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có 2 văn bản trả lời doanh nghiệp về các nội dung: Xem xét miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho Doanh nghiệp tư nhân Phi Hùng do doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn khách quan; Đánh giá tính hợp pháp hồ sơ thành lập doanh nghiệp của Công ty TNHH Ngọn Hải Đăng.

1.7. Một số bộ, ngành, địa phương khác:

- Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời doanh nghiệp về các nội dung: Phát hiện, ngăn chặn mã độc “đào” tiền ảo bất hợp pháp;

- Bộ Giao thông Vận tải có văn bản trả lời doanh nghiệp về việc thanh toán cho nhà thầu thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

- Cục quan hệ lao động và tiền lương – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về việc áp dụng mức lương tối thiểu cho lao động.

- Ngân hàng nhà nước Việt Nam trả lời kiến nghị của Công ty TNHH thương mại dịch vụ và chế biến nông sản CPAP về việc hướng dẫn chính sách tín dụng.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị của Văn phòng Luật sư Vì Dân về xử lý vi phạm đối với Công ty Cổ phần Khai khoáng Sahara trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Đà tại xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị của Công ty Green Special Ind về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giải thể Công ty TNHH Việt Nam Xanh.

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần Ô tô khách Hà Tây về đề nghị được thuê đất tại địa chỉ 143 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội để làm Văn phòng làm việc, bãi đỗ xe và kinh doanh xăng dầu.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị của Công ty Luật TNHH IPIC về hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, xin cấp giấy phép kinh doanh của Công ty Pantra Techseal Vina.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Minh Đức và Công ty TNHH Nam Thắng về vướng mắc ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

1.8. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 11/2017, VCCI nhận được 9 văn bản trả lời 10 kiến nghị. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị cụ thể như sau:

- Công văn số 6303/BYT-ATTP ngày 33/11/2017 của Bộ Y tế trả lời 8 kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về việc bãi bỏ Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP; Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và  thống nhất đầu mối quản lý sản phẩm thực phẩm (Kiến nghị số 8, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 8 số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI).

- Công văn số 3731/BKHCN-TĐC ngày 6/11/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ  trả lời kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới về việc quản lý chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với thiết bị kiểm định xe cơ giới khi sửa đổi Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo lường nhóm 2. Để xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất giao Cục Đăng kiểm phối hợp với Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức khảo sát tthực tế tại một số đơn vị đăng kiểm để xác định các phương tiện đo lường cần thiết phải đưa vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 và đề xuất lộ trình thực hiện; phương tiện đo đơn giản, không cần thiết thì đề nghị Bộ KHCN xem xét không đưa vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 (Kiến nghị số 5, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 9 số 2708/PTM-VP ngày 20/10/2017 của VCCI).

- Công văn số 8249/UBND-DN ngày 10/11/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời kiến nghị của công ty cổ phần xuât nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam về đề nghị được khai thác sản lượng cát hàng năm theo công suất quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 604/GP-BTNMT ngày 24/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Xóa nợ tiền cấp quyền khai thác năm 2014, 2015 và tiền phạt chậm nộp (Kiến nghị số 3, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 8 số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI).

- Công văn số 15360/BTC-CST ngày 13/11/2017 của Bộ Tài chính trả lời các kiến nghị trong Báo cáo tháng 8 số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI gồm:

+ Kiến nghị của Công ty TMT về dự thảo phương án thuế nhập khẩu linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022. (Kiến nghị số 1, Phụ lục 1)

+  Kiến nghị của Công ty Duyên Hải về tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định tại địa điểm đã được công nhân là địa điểm thủ tục hải quan tại cảng cạn (IDC Thụy Vân). (Kiến nghị số 2, Phụ lục 1)

+ Kiến nghị của công ty cổ phần xuât nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam về đề nghị được khai thác sản lượng cát hàng năm theo công suất quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 604/GP-BTNMT ngày 24/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Xóa nợ tiền cấp quyền khai thác năm 2014, 2015 và tiền phạt chậm nộp (Kiến nghị số 3).

+ Kiến nghị của Tổng công ty Bến thành về thuế xuất khẩu mặt hàng nhôm định hình. Bộ Tài chính đã tiếp thu vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đang trình Chính phủ ban hành. (Kiến nghị số 5, Phụ lục 1)

+ Kiến nghị của Hiệp hội Logistics Việt Nam về xem xét, bãi bỏ chính sách thuế nhà thầu áp dụng đối với cá nhân,tổ chức nước ngoài sử dụng kho ngoại quan tại Việt Nam làm kho chứa hang và cung cấp cho doanh nghiệp khác. (Kiến nghị số 7, Phụ lục 1)

+ Báo cáo về việc giải quyết các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Tài chính đã quá hạn trả lời được VCCI thống kê tại Phụ lục 2, 3).

- Công văn số 15019/BTC-CST ngày 6/11/2017 của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam về chính sách thuế tiêu thu đặc biệt đối với nước ngọt. Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thu đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên, trong đó có quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. (Kiến nghị số 6, Phụ lục 1, Báo cáo tháng 8 số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI).

- Công văn số 5877/UBND-KT ngày 20/11/2017 của UBND TP Hà Nội trả lời kiến nghị của công ty cổ phần thép Tân Đại Phát về đề nghị xin thuê tầng dịch vụ nhà tái định cư làm địa chỉ trụ sở của công ty. UBND TP Hà Nội hướng dẫn Công ty liên hệ với Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội để đăng ký tham gia đấu giá quyền thuê các diện tích kinh doanh dịch vụ còn trống. (Kiến nghị số 8, Phụ lục 1, Báo cáo quý II số 1680/PTM-VP ngày  14/7/2017 của VCCI).

- Các công văn số15424/BTC-TCDN ngày 14/11/2017 và công văn số 15659/BTC – TCDN ngày 20/11/2017 của Bộ Tài chính báo cáo về việc giải quyết một số kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ đã quá hạn trả lời được VCCI thống kê tại Phụ lục 2,3 Báo cáo quý II số 2708/PTM-VP ngày 20/10/2017 của VCCI.

Qua theo dõi, VCCI nhận thấy, Bộ Tài chính, Ngân hang nhà nước Việt Nam  là những đơn vị trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ và VCCI tập hợp khá kịp thời, đúng hạn. Việc trả lời kiến nghị của một số bộ,ngành, địa phương đặc biệt là các địa phương khá chậm.

  1. Các kiến nghị Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

- Tháng 10/2017, VCCI nhận được 130 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/11/2017, đã có 88 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 42 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều quá bị hạn trả lời.

- Tháng 11/2017 VCCI nhận được 76 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/11/2017, đã có 10 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 94 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 3), trong đó có một số kiến nghị đã bị quá hạn trả lời.

  1. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 11/2017, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- VCCI hoàn thành góp ý và tiếp tục góp ý các dự thảo: Nghị định quy định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; Nghị định quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV; Nghị định về quý khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nghị định về quỹ hỗ trợ  phát triển doanh nghiệp DNNVV; Nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 18/2014/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước; Thông tư quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch; Thông tư quy định hồ sơ, trình tự thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tài chính vi mô; Thông tư thay thế Thông tư số 177/2016/TT-BTC và Thông tư số 178/2016/TT-BTC; Quyết định của Thủ tướng về thủ tục xác nhận hàng hóa để phát triển ươm tạo công nghiệp, doanh nghiệp KHCN, đổi mới công nghệ; phương tiện, vận tải trong dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của dự án đầu tư.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế tổ chức  Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan khu vực phía Bắc tại Hà Nội vào ngày 27/11/2017 và khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/11/2017. Tham dự hai Hội nghị có gần 1000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Thông tin tổng hợp về các thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp. Tại Hội nghị, VCCI đã tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp đối với lãnh đạo Bộ Tài chính, ngành Thuế và Hải quan về bao gồm các vấn đề chính là: ban hành văn bản luật liên quan cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi và tiếp thu các phản biện, góp ý của người dân và doanh nghiệp, tập trung vào các đối tượng góp ý có quan hệ trực tiếp với nội dung cần góp ý, đồng thời, cần đảm bảo sự thống nhất, cụ thể, rõ ràng, nếu không doanh nghiệp sẽ khó thực hiện, tạo lỗ hổng gây ra sự tùy tiện trong việc áp dụng; tăng cường đối thoại, tập huấn về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan; giá thuê đất tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu và chi phí của doanh nghiệp; khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; việc trả lời các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp …Ngay tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính đã giải đáp nhiều câu hỏi của nhiều doanh nghiệp, bên cạnh đó lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu các vấn đề của doanh nghiệp để trả lời bằng văn bản gửi tới doanh nghiệp, đồng thời cam kết tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chính sách với phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với cục Thuế tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp và tập huấn về chính sách thuế cho các doanh nghiệp thuộc quản lý của Cục Thuế tỉnh Nghệ An. Tại Hội nghị, đại diện gần 500 doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã trực tiếp nêu ra những ý kiến thắc mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế. Tại Hội nghị nhiều vấn đề được các doanh nghiệp đặt ra như: điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với người nộp thuế, thời gian Cục Thuế cập nhật, hạch toán đầy đủ các quyết định hoàn thuế; quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu ngân sách Nhà nước vào hệ thống ứng dụng quản lý thuế; hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra, thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế thu nhập doanh nghiệp, việc hoàn thuế GTGT, thanh toán giá trị hóa đơn khi đến kỳ hạn thanh toán; xuất hóa đơn bán hàng khi có bên thứ 3 tham gia vận chuyển, giao hàng hóa…Đại diện Cục thuế Nghệ An đã trực tiếp giải đáp tại Hội nghị một số nội dung về chính sách, thủ tục hành chính thuế. Các vấn đề chưa giải quyết được tại Hội nghị sẽ được Cục Thuế Nghệ An giải quyết và trả lời doanh nghiệp bằng văn bản.

- Tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “ Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách”. Ngày 21/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, tạo cơ sở pháp lý để phát triển hệ thống bệnh viện ngoài công lập. Sau hơn 20 năm, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các bệnh viện, phòng khám. Các cơ sở y tế tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã phát sinh một số bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật về y tế khiến hệ thống y tế ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Buổi tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận một số vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp người dân thay đổi nhận thức về y tế tư nhân, cũng như thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trong công tác khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, đồng thời để các cơ quan quản lý, xem xét, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các chính sách đã ban hành, tạo nên sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, giúp việc quản lý cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác khám chữa bệnh ngày một tốt hơn.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch VCCI, Chủ tịch APEC CEO SUMMIT Vũ Tiến Lộc ; Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Rosler và Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cùng gần 2.000 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế,  trong đó có 1100 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước. Hội nghị đã tạo cơ hội cho các  doanh nghiệp Việt Nam tham dự tiếp xúc trực tiếp và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo và tổng giám đốc doanh nghiệp hàng đầu khu vực, đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với chủ đề “Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS đã tập trung bàn về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. VBS bao gồm 3 phiên, có chủ đề lần lượt là: "Việt Nam – Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững"; "Việt Nam – Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp" và các hội thảo chuyên đề, với chủ đề bao gồm: Nông nghiệp bền vững, Tài chính cho phát triển, Y tế và giáo giục, Cơ sở hạ tầng, Đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh đầu tiên của Việt Nam và cũng là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay.

- Chủ trì phối hợp với Ban Thư ký quốc gia APEC tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (APEC CEO SUMMIT) trong ba ngày từ ngày 8-10/11. Đây là sự kiện quan trọng nhất của các doanh nghiệp trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với hơn 2100 đại biểu tham dự, trong đó có 1200 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước. Đây là một hội nghị lớn nhất trong lịch sử tổ chức các hội nghị APEC CEO Summit (vượt xa con số 1500 đại biểu của APEC CEO Summit tại Trung Quốc vào năm 2014,  1000 đại biểu tại Nhật (2010), 1000 đại biểu tại Hoa Kỳ (2011), 700 đại biểu tại Nga (2012), 1000 đại biểu tại In-đô-nê-xia (2013), 800 đại biểu tại Phi-lip-pin (2015) và gần đây nhất tại Peru (2016) với 1200 đại biểu). Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Ngoài ra, nhiều nguyên thủ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng tham gia phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp APEC như: Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng New Zealand..... Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Hội nghị đã tập trung thảo luận những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của chính phủ và các công ty trong việc bảo đảm người lao động được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai. Các đại biểu cũng thảo luận dưới nhiều lăng kính khác nhau về các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm trên toàn cầu. Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp khuyến nghị:  đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế;  các chính phủ cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.

Song song với chương trình Hội nghị chính, VCCI đã tăng cường xúc tiến các cuộc gặp giữa đại diện Chính phủ và Lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp xúc doanh nghiệp song phương. Cụ thể, VCCI đã tổ chức các cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng và đoàn lớn trong đó có các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc (7/11); cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC (8/11);   hỗ trợ các địa phương gặp gỡ với các tổ chức quốc tế, các đoàn doanh nghiệp lớn của khu vực. Các hoạt động của doanh nghiệp trong tuần lễ cấp cao APEC diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Trong giai đoạn này, 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD đã được ký kết, là cơ hội lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã ký một loạt thỏa thuận thương mại lên tới 12 tỷ USD, bao gồm: Biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; Bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và Đầu tư thượng nguồn; Hợp đồng mua, hỗ trợ sản phẩm động cơ PW1100G-JM….

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi dự Hội nghị cấp cao ASEAN và tham dự Hội nghị thượng đỉnh  Thương mại và Đầu tư ASEAN (ABIS), sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các Hội nghị Cấp cao khác có liên quan. Đoàn bao gồm các doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, cao su, đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh tổng hợp, dệt may, máy móc thiết bị, cảng biển, dịch vụ y tế… có nhu cầu giao lưu học hỏi, thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp các nước ASEAN tham dự Hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN được tổ chức trong 3 ngày từ 12 đến 14/11/2017 với các chủ đề chính về (1) Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ASEAN, (2) Xây dựng hệ thống kết nối doanh nghiệp ASEAN, (3) Phát triển hạ tầng ASEAN (4) Nâng cao vai trò của phụ nữ làm kinh tế và phát triển nguồn nhân lực. Trong khuôn khổ các chương trình và tọa đàm, lãnh đạo các nước ASEAN, Đông Á, Hoa Kỳ, Canada… đã dự và phát biểu với đại diện doanh nghiệp của khu vực. Ngoài chương trình chính trên, các doanh nghiệp tham gia đoàn đã được tham dự các chương trình giao lưu, kết nối do Ban Tổ chức hội nghị thu xếp. Đồng thời, VCCI phối hợp với Đại Sứ quán, Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines thu xếp một số cuộc tiếp xúc nhằm kết nối các doanh nghiệp tham gia đoàn với các đối tác sở tại.

- Tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh ra các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức trong việc cập nhật thông tin vĩ mô, chuẩn bị năng lực tài chính, năng lực giao dịch quốc tế và chuẩn hóa quy trình xuất nhập khẩu. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Châu Á, tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp, nhưng các DNNVV chỉ chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hội thảo đánh giá, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong hội nhập quốc tế.

- Phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam tổ chức buổi “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Slovakia” nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovakia ngài Peter Plellegrini. Đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng Phó Thủ tướng Slovakia gồm 20 doanh nghiệp đến từ nhiều nhóm ngành nghề khác nhau như ngành khí tượng, khí hậu học; công nghệ thông tin và hàng không; kỹ thuật điện, năng lượng; công nghiệp thực phẩm; truyền thông, viễn thông; công nghệ sinh học, y sinh; dịch vụ. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Cộng hòa Slovakia đã phát triển rất tích cực thời gian qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Slovakia đạt 630,185 triệu USD (tăng 78,9%) so với cùng kỳ năm 2016 trong đó xuất khẩu đạt 604,428 triệu USD (tăng 86%) và nhập khẩu đạt 25,757 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, hiện nay Slovakia là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu. Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh doanh thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Slovakia phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để Slovakia thông thương vào ASEAN. Trong khi đó, Slovakia là cửa ngõ để hàng hóa thâm nhập vào các nước trong Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ sớm chính thức có hiệu lực cũng là cơ hội tốt cho các sản phẩm Việt Nam vào thị trường Slovakia nói riêng và thị trường châu Âu nói chung. Trong khuôn khổ Diễn đàn lần này, UBND TP Hà Nội đã ký kết Biên bản hợp tác với Công ty Asseco chuyên về dịch vụ và công nghệ thông tin đến từ Slovakia.

- Hưởng ứng và tổ chức tuần lễ khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneur week), từ 13-17/11, VCCI đã tổ chức một loạt sự kiện về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, trong đó có việc phối hợp với Ban điều hành đề án 844 tổ chức ngày hội khởi nghiệp TECHFÉT từ 14-15/11/2017 tại Hà Nội; Tổ chức hội thảo “ Tài chính cho khởi nghiệp”; Tổ chức Gala chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 13/11 tại Khánh Hòa;... và nhiều hoạt đông giao lưu, khởi nghiệp khác.

- Một số hoạt động khác: Ký kết hợp tác đào tạo “nghề kép” với SBH (tập đoàn giáo dục phi chính phủ, phi lợi nhuận về lĩnh vực giáo dục – đào tạo của Cộng hòa Liên Bang Đức); Tổ chức Giao lưu Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc 6/11 tại TP Hồ Chí Minh; Tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Braxin; Tổ chức đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường tại Italia và Tây Ban Nha (từ 16 – 24/11/2017);  Tổ chức Hội thảo "Giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông lâm, thủy sản" tại Nghệ An...

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 11 năm 2017, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Tài chính; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- UBND các tỉnh: Phú Thọ; Đăklac

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2017 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi Trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Thông tin và Truyền Thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2017 của Bộ Ngành địa phương khác (Tải về)