Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2017

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2708 /PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2017

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2017

Kính gửi: CHÍNH PHỦ 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 3 năm 2017 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRONG QUÝ 3/2017

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tập hợp

- Trong tháng 7/2017, VCCI nhận được 27 văn bản của 12 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 2047/PTM-VP ngày 21/8/2017 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 7/2017).

- Tháng 8/2017, VCCI nhận được 32 văn bản của 13 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (đã tổng hợp trong Báo cáo số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tháng 8/2017).

- Tháng 9/2017, VCCI nhận được 21 văn bản của 6 bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này chủ yếu do Văn phòng Chính phủ tập hợp thông qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Tổng cộng trong quý 3/2017, VCCI nhận được 80 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35.

Các văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp VCCI nhận được trong tháng 9/2017 cụ thể như sau:

1.1. Bộ Giao thông Vận tải

1.1.1- Công văn số 10555/BGTVT-VT ngày 18/9/2017 của Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị của Công ty TNHH MTV Chính Kem, Bạc Liêu  kiến nghị về hồ sơ, thủ tục cấp phù hiệu xe tải của Sở GTVT Bạc Liêu. Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT Bạc Liêu xem xét, giải quyết và Sở cấp phù hiệu xe tải cho công ty Chính Kem sau khi công ty bổ sung đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định. (Trả lời công văn số 9435/VPCP-ĐMDN ngày 18/9/2017 của Văn phòng Chính phủ)

1.1.2- Công văn số 10848/BGTVT-KHCN ngày 25/9/2017 của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Khoa học Công nghệ góp ý dự thảo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường nhóm 2. Văn bản chuyển tải quan điểm của Bộ GTVT về các  kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới liên quan đến bất cập trong kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị kiểm định xe cơ giới bao gồm các nội dung sau:

- Không đưa các thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiểm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhằm tránh sự quản chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém, lãng phí tiền của xã hội

- Để cơ quan quản lý chuyên ngành tiếp tục duy trì thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra trong các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới như đã thực hiện từ năm 1995 đến nay theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 1//7/2016 của Chính phủ, tránh nguy cơ làm tăng thêm gánh nặng tài chính và phát sinh thêm các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ

1.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1.2.1- Công văn số 7492/BKHĐT-QLĐT ngày 13/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hải Dương về quy định đối với mua sắm sản phẩm, dịch vụ công (trả lời Công văn số 8980/VPCP-ĐMDN ngày 23/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2.2- Công văn số 7558/BKHĐT-QLĐT ngày 18/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ quốc tế Thăng Long về việc sai tên công ty trong đơn chào hàng và hồ sơ dự thầu theo hướng được phép xác định lại tên nhà thầu theo con dấu của nhà thầu trên hồ sơ (trả lời công văn số 9185/VPCP-ĐMDN ngày 18/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2.3- Công văn số 7559/BKHĐT-QLĐT ngày 18/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 về việc nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu (trả lời công văn số 9100/VPCP-ĐMDN ngày 26/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2.4- Công văn số 7638/BKHĐT-QLĐT ngày 20/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của bà Nguyễn Thị Uyên (372/25 Điện Biên Phủ, P17, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) về hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu về điều kiện nhà thầu tham dự gói thầu EPC với tư cách nhà thầu chính. (trả lời Công văn số 9434/VPCP-ĐMDN ngày 06/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2.5- Công văn số 7762/BKHĐT-QLĐT ngày 25/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của ông Nguyễn An Khánh – Ban Quản lý dự án hạ tầng 3, Tổng Công ty viễn thông Mobifone về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu và chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu đối với cá nhân đối với cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động tư vấn đấu thầu. (trả lời Công văn số 9892/VPCP-ĐMDN ngày 18/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2.6-  Công văn số 7893/BKHĐT-QLĐT ngày 29/9/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời kiến nghị của công ty cổ phần Đại Thiên Trường về quy định đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. (trả lời Công văn số 9811/VPCP-ĐMDN ngày 29/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3. Bộ Tài Chính

1.3.1- Công văn số 4041//TCT-CS ngày 06/9/2017 của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần địa ốc LK Land về hóa đơn, chứng từ đối với khoản chiết khấu giảm trừ doanh thu theo quy định tại điểm 2.5, Phụ lục Thông tư số 39/2014/TT-BTC và giao cho Cục Thuế TP Hồ Chí Minh giải quyết kiến nghị cho công ty.(trả lời công văn số 8759/VPCP-ĐMDN ngày 18/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3.2- Công văn số 5904/TCHQ-TXNK ngày 07/9/2017 của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty TNHH 4P về việc không tính ngược lại thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đã xuất khẩu (trả lời Công văn số 8918/VPCP-ĐMDN ngày 23/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3.3- Công văn số 5946/TCHQ-TXNK ngày 08/9/2017 của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Vikom về chính sách thuế đối với việc doanh nghiệp nhập khẩu nhưng không trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu mà bán hàng cho doanh nghiệp khác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu và quy định về phạt chậm nộp thuế (trả lời Công văn số 9065/VPCP-ĐMDN ngày 08/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3.4- Công văn số 12319/BTC-TCDN ngày 15/10/2017 của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của bà Đỗ Thị Quỳnh, Công ty thương mại và xuất nhập khẩu Viettel về việc đề nghị hướng dẫn xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi (trả lời công văn số 9182/VPCP-ĐMDN ngày 15/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3.5- Công văn số 4389/BTC-KK ngày 27/9/2017 của  Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Change Interaction về việc hướng dẫn kê khai lại thuế cho số hóa đơn bị hủy trong thời gian mã số thuế bị khóa. (trả lời Công văn số 8714/VPCP-ĐMDN ngày 27/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.3.6- Công văn số 13060/BTC-TCDN ngày 29/9/2017 của Bộ Tài Chính trả lời kiến nghị của công ty cho thuê tài chính I (ALCI) về việc hướng dẫn thực hiện các thủ tục hủy bỏ các đợt chào bán chứng khoán khi cổ phẩn hóa ALCI và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong điều kiện không bán hết số cổ phần đã chào bán khi thực hiện cổ phần hóa.

1.4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  

1.4.1- Công văn số 2122/BVTV-KD ngày 13/9/2017 của Cục Bảo vệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Xay Lúa Mì Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho công ty trong khi nhập khẩu 11.000 tấn lúa mỳ từ Mỹ. Công văn trả lời khẳng định đã hướng dẫn công ty hoàn thiện hồ sơ và ngày 11/9/2017 đã cấp cho công ty Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu 80.000 tấn lúa mỳ từ Mỹ. (trả lời công văn số 9045/VPCP-ĐMDN ngày 25/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.4.2- Công văn số 7945/BNN-TY ngày 21/9/2017 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Dệt May Việt Nam về việc cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Cục Thú ý, Bộ NN và PTNN đối với các sản phẩm lông thú, lông vũ. Văn bản khẳng định việc kiểm dịch lông thú, lông vũ là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia. Cục Thú y đã thực hiện nhận văn bản đề nghị qua đường bưu điện và trả lời doanh nghiệp bằng văn bản điện tử, khá thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Hoạt động kiểm dịch lông thú, lông vũ chi do Cục Thú y thực hiện nên không có sự chồng chéo về mặt kiểm dịch. (trả lời công văn số 9213/VPCP-ĐMDN ngày 30/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.5. Bộ Xây dựng

1.5.1- Công văn số 2089/BXD-KTXD ngày 06/9/2017 của Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của bà Nguyễn Thị Phú về vấn đề thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng. (trả lời Công văn số 8984/VPCP-ĐMDN ngày 23/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.5.2- Công văn số 2089/BXD-KTXD ngày 06/9/2017 của Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của ông Trần Gia Bân đề nghị hướng dẫn quy định pháp luật về điều chỉnh dự toán xây dựng và quyết toán dự án hoàn thành. (trả lời Công văn số 9433/VPCP-ĐMDN ngày 6/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.5.3- Công văn số 2244/BXD-HDXD ngày 21/9/2017 của Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST về dự án khu nhà ở tại lô C1B và C2A thuộc khu đô thị Đại học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (trả lời Công văn số 9106/VPCP-ĐMDN ngày 21/9/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.6. Một số bộ, ngành, địa phương khác:

1.6.1- Công văn số 7279/NHNN-TD ngày 12/9/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời kiến nghị của ông Đỗ Quang Bắc - Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Tĩnh Hà Nam về vấn đề được vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại có chi nhánh trên địa bàn Hà Nam đã ghi nhận nhu cầu vay tín chấp của ông Đỗ Quang Bắc và sẽ xem xét cho vay tín chấp nếu công ty của ông Bắc cung cấp được phương án sử dụng vốn vay, tài liệu chứng minh năng lực tài chính và phương án trả nợ vay. (trả lời Công văn số 9105/VPCP-ĐMDN ngày 28/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.6.2- Công văn số 8198/BCT-TTTN ngày 05/9/2017 của Bộ Công thương trả lời về để xuất hỗ trợ thực hiện đề án mở chuỗi siêu thị Homart của Công ty cổ phần thương mại, xuất nhập khẩu và công nghệ chống giả Homart. Công văn hướng dẫn các quy định, điều kiện để Đề án được hưởng ưu đãi và cơ quan giải quyết đề xuấ của công ty theo quy định là Sở Công Thương TP Hồ  Chí Minh. (trả lời Công văn số 8721/VPCP-ĐMDN ngày 17/8/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.7. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ:

Trong tháng 7/2017, VCCI nhận được 8 văn bản trả lời 10 kiến nghị, tháng 8/2017, VCCI đã nhận được 8 văn bản trả lời 24 kiến nghị, tháng 9/2017 VCCI chỉ nhận được 1 văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này do VCCI tập hợp gửi các bộ, ngành từ tháng 5/2017 đến hết tháng 8/2017. Các văn bản trả lời kiến nghị VCCI nhận được đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị.

Như vậy, hết ngày 30/9/2017, còn 22 kiến nghị VCCI đã gửi chưa nhận được văn bản trả lời gồm:

- 04 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo số 1389/PTM-VP ngày 13/6/2017 của  VCCI tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5/2017 thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương.

- 03 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo quý II số 1680/PTM-VP ngày 14/7/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP Hà Nội (UNBD TP Hà Nội và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới có văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu trả lời doanh nghiệp)

- 07 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo số 2047/PTM-VP ngày 21/8/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn.

- 08 kiến nghị trong Phụ lục 1, Báo cáo số 2360/PTM-VP ngày 21/9/2017 của VCCI thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ:  Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp và UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Thọ.

  1. Các kiến nghị Văn phòng Chính phủ thông báo cho VCCI

- Trong tháng 7/2017, VCCI nhận được 74 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/9/2017, đã có 62 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 12 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều quá hạn trả lời.

- Tháng 8/2017, VCCI nhận được 71 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/9/2017, đã có 46 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 25 kiến nghị chưa được trả lời (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 2). Tất cả các kiến nghị đều quá hạn trả lời.

- Tháng 9/2017 VCCI nhận được 56 kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến hết 30/9/2017, đã có 14 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 42 kiến nghị chưa được trả lời. (có danh sách kèm theo tại Phụ lục 3), trong đó có một số kiến nghị đã quá hạn trả lời.

- Trong quý 3/2017, VCCI nhận được 201 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Qua theo dõi của VCCI, đến hết 30/9/2017, đã có 122 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Còn 79 kiến nghị chưa được trả lời chiếm 39,3%. Đa số các kiến nghị này đều đã quá hạn trả lời do Văn phòng Chính phủ quy định, nhiều kiến nghị được Văn phòng chính phủ có công văn nhắc nhở nhưng bộ, ngành, địa phương vẫn chưa trả lời.

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về một số cải cách của Chính phủ:

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao việc Chính phủ tiếp tục giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ, chủ trương về cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Chính phủ quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong quý 3/2017, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá rất cao một số động thái cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con của Chính phủ và một số bộ, ngành như:

- Tổ công tác của Thủ tướng đã triển khai khảo sát, rà soát và đánh giá việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tổ công tác đã làm việc  và có những chỉ đạo quyết liệt về việc cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tại các Bộ: Công Thương, Y tế và TP Hải Phòng. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, Tổ công tác đã tham mưu cho chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018, đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo tại các văn bản nêu trên, sớm ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

-  Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây. Cụ thể như thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc (giảm 5 ngày); thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc; thời gian về cấp phép xây dựng giảm từ 7 - 10 ngày, thời gian về kiểm tra nghiệm thu giảm 10 - 20 ngày so với trước đây.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực do Bộ quản lý theo hướng tránh chồng chéo, giảm đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu: Chỉ thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu đối với các loại hàng hóa có nguy cơ lây lan dịch bệnh (kiểm dịch thực vật; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, thủy sản); đối với các loại hàng hóa chỉ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện theo hướng quản lý rủi ro sau thông quan.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cam kết cắt giảm các rào cản, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng được thực hiện.

  1. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 3 năm 2017, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- Đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật thể dục thể thao; Luật thủy sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm: Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên…. Tham gia hội đồng thẩm định, thẩm tra nhiều dự thảo nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc tham gia các Ban soạn thảo, tổ biên tập, cuộc họp thẩm tra, thẩm định và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp góp ý các văn bản quy phạm phạm pháp luật ngày càng thể hiện vai trò và vị trí của VCCI trong công tác xây dựng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

- Phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận đề xuất các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số  hoạt động nổi bật như:

+ Phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 (lần thứ 2) với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”. Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, 10 tỉnh duyên hải miền Trung và các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế trong nước và quốc tế cùng hơn 400 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước. Mục tiêu của Diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung thông qua việc phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền Trung. Diễn đàn đã tập trung bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.

+ Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND 8 tỉnh vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần 2 năm 2017 với chủ đề “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng” tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương, VCCI, một số bộ, ngành và 8 tỉnh vùng ĐNB cùng khoảng gần 500 doanh nghiệp trong vùng. Diễn đàn đặt mục tiêu tìm tiếng nói chung, thống nhất nhằm giải quyết một số vấn đề đang đặt ra với Vùng ĐNB gồm: Chỉ ra được các điểm nghẽn trong việc kết nối kinh tế vùng và các thảo luận sẽ tìm ra các giải pháp để tạo ra sự kết nối về hạ tầng, quy hoạch, chính sách, chỉ đạo thực hiện... từ Trung ương đến địa phương nhằm đạt hiệu quả cao nhất; Xây dựng thể chế cụ thể để điều phối nội vùng ĐNB, báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ để Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐNB; Thúc đẩy công tác xúc tiến liên kết vùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Kết nối hạ tầng, kết nối thông tin; Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của từng tỉnh, thành ĐNB để từ đó cải thiện PCI toàn vùng. Đồng thời, hoàn thành mục tiêu đăng ký có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020; Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo giám đốc doanh nghiệp trong khu vực để đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

+ Tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề cương dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm: Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên. Đây là dự luật được dư luận, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm  vì các quy định được đánh giá sẽ có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng từ người dân tới doanh nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp các góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia và nghiên cứu, VCCI đã xây dựng bản góp ý gửi Bộ Tài chính.

-Tham dự Diễn đàn kinh tế Châu Á 2017 tại Singapore do Ngân hàng Thế giới và Đại học chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia singapore tổ chức. Đồng chí Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Bộ trưởng nội vụ và tư pháp singapore là các khách mời danh dự, được mời phát biểu khai mạc hội nghị với sự tham dự của 300 học giả và giới nghiên cứu Châu Á. Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch VCCI có chủ đề “ Việt Nam tiềm năng trở thành động lực phát triển của khu vực”.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai tổ chức khóa đào tạo về Bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các tỉnh.

+ Tham dự họp 3 phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 nhằm trao đổi và thương lượng về tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cùng đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Qua 3 phiên thương lượng, các thành viên đã đề nghị chọn 2 phương án cuối cùng của 2 bên trong đó VCCI đề xuất 6,5% và Tổng Liên đoàn LĐVN đề xuất 7% để bỏ phiếu. Kết quả có 8/14 thành viên chọn phương án 6,5% (chiếm 57,14%) và 6/14 thành viên chọn phương án 7% chiếm 42,86%. Với kết quả bỏ phiếu nêu trên phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018 trung bình ở mức 6,5% sẽ được Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm, làm việc và dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại CHLB Đức và thăm chính thức Vương Quốc Hà Lan. Tại CHLB Đức, VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đức với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến của các doanh nghiệp Đức”, thu hút sự tham dự của hơn 650 đại diện doanh nghiệp sở tại. Tại Hà Lan, VCCI phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Hướng tới tương lai bền vững”, thu hút sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp sở tại. Hai diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong chuyến đi này của Thủ tướng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của doanh nhân nước sở tại trong quá trình tìm kiếm và phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tại các Diễn đàn, các doanh nghiệp Đức, Hà Lan đã được nghe giới thiệu về môi trường kinh doanh, và các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu về cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cũng tại các Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến nhiều thoả thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế giữa hai bên được ký kết, nhiều hợp đồng có giá trị lớn đến vài trăm triệu euro: Thỏa thuận đối tác chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Tập đoàn Trung Nam và Tập đoàn Enercon, Đức trị giá 800 triệu euro, trong 5 năm; Vietjet Air ký kết hợp đồng tài chính máy bay với Công ty cho thuê tàu bay CHLB Đức (GOAL German Operating Aircraft Leasing GmbH & Co.KG) cho 4 tàu bay A321CEO, trị giá 464 triệu USD; Hợp đồng dự án “Khu liên hợp xử lý rác thải và nhà máy điện rác tại thành phố Đà Nẵng” giữa công ty VIDEBRIDGE (nhịp cầu Việt Đức), Empire Group Đà Nẵng và nhóm Intec & Juvema; trị giá 214 triệu Euro, gồm 4 hợp đồng con; Hợp đồng Liên doanh giữa Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu công nghệ GEN TRO (GENTROTECH) với các đối tác WIBACON – BioVEE và MAC thành lập liên doanh xây dựng nhà máy xử lý rác thải 2000 tấn ngày đêm tại xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, trị giá 282 triệu EURO;  Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần hóa chất nhựa và Công ty Starlinger & Co. GmbH của Đức về việc cung cấp đồng bộ các dây chuyền sản xuất bạt công nghiệp và vải địa kỹ thuật cho các nhà máy tập đoàn Plaschem, trị giá 80,5 triệu Euro; Thỏa thuận ghi nhớ về nông nghiệp công nghệ cao với Tập đoàn AGRIMENT (Hà Lan) trị giá 20 triệu USD…

- Tổ chức một số hoạt động trong khuôn khổ các APEC 2017 như sau:

+  Với vai trò Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) và đại diện Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và các lãnh đạo Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC Việt Nam (ABAC Việt Nam) đã có buổi báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình, kết quả hoạt động của ABAC Việt Nam trong năm 2017 cũng như các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp APEC trình các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Với cương vị Chủ tịch Năm APEC 2017, thay mặt các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng tiếp nhận báo cáo và khuyến nghị của ABAC trình các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC gồm hơn 20 kiến nghị thuộc 3 nhóm vấn đề.

+ Tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 với nội dung Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu từ 11-12/9/2017 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là sáng kiến đề xuất của VCCI với sự đồng hành của Công ty Microsoft, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương  (Canada)... nhằm tạo cơ hội cho các nền kinh tế APEC chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến nhằm xây dựng khối APEC chia sẻ lợi ích chung, phát triển bền vững. Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 tập trung thảo luận những nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Tại diễn đàn, phía Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo như: ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp… Mặt khác, VCCI đã và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều chính sách kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với các nền kinh tế APEC và toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ kiến thức kinh doanh để những người khởi nghiệp có thể nắm bắt được các cơ hội cũng như vượt qua được những thách thức trong thời gian tới. Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 thống nhất đưa ra tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa để kiến nghị cho Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.

+ Trong khuôn khổ các sự kiện của tuần lễ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017, VCCI đã phối hợp tổ chức “Đối thoại Công - Tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC -  Diễn đàn Doanh nhân nữ: Phụ nữ là Doanh nhânvới sự tham dự và chủ trì của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch VCCI và gần 600 đại biểu tham dự là Trưởng đoàn đại biểu các nền kinh tế APEC, các Tổ chức quốc tế; Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành (CEO) của một số tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam; các Doanh nhân nữ của APEC và ASEAN, đại diện từ khu vực công và tư của 21 nền kinh tế APEC. Thông qua đối thoại, các doanh nhân nữ tham dự đã có cơ hội thảo luận cùng lãnh đạo các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế về các giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nhân nữ hội nhập và tham gia đầy đủ vào thị trường toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng khuyến nghị chính sách và nhân rộng các mô hình, các kinh nghiệm thành công nhằm tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng bao trùm ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, VCCI cũng đưa ra những sáng kiến về việc liên kết các hiệp hội và cộng đồng doanh nhân nữ lại để hỗ trợ chị em thiết thực, có hiệu quả hơn trong một nền kinh tế sáng tạo, nhân văn, bao trùm mà APEC đang hướng tới, thông qua việc thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau, cùng xây dựng phong trào “She Means Business” trong các nền kinh tế APEC.

+ Tiếp tục các hoạt động chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng.

- Tổ chức nhiều Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của lãnh đạo các nước hoặc đoàn doanh nghiệp của các nước đến tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác ở Việt Nam. Một số hoạt động nổi bật như sau: Tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ; Tổ chức Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam – Mozambique nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Mozambique, Carlos Agostinho do Rosario; Tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Hungary trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hungary; Tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ 2017 trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ; Phối hợp với Bộ Ngoại giao El Salvador tổ chức buổi “Tọa đàm giới thiệu cơ hội đầu tư và phát triển thương mại với thị trường El Salvador”…

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong quý 3/2017, VCCI tiếp tục tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để chuyển tải đến các bộ, ngành địa phương. Qua theo dõi, VCCI nhận thấy có một số vấn đề nổi bật doanh nghiệp kiến nghị trong quý 3 như sau:

- Doanh nghiệp rất quan tâm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm: Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên của Bộ tài chính. Với tình hình kinh tế đất nước hiện nay, nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng việc tăng thuế đối với 1 số mặt hàng và thuế GTGT… cần cân nhắc kỹ và xây dựng lộ trình dài hạn để tránh ảnh hưởng tới “sức khỏe” của nền kinh tế.

- Việc tăng lương tối thiểu vùng, chi phí bảo hiểm xã hội cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp; Chính phủ cần tiếp tục có chính sách nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như Dệt – May, Da- Giầy….

- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản kiến nghị nhiều về việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế theo Nghị định 38/NQ-CP đang được Bộ Y tế sửa đổi.

- Công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp tiếp tục được nhiều doanh nghiệp kiến nghị. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì chỉ đạo chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm của Thủ tướng Chính phủ chưa được chấp hành nghiêm túc.

- Doanh nghiệp tiếp tục có nhiều vướng mắc về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, hải quan. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị về tiền sử dụng đất quá cao hay thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, công tác giải phóng mặt bằng.

Trong tháng 9 năm 2017, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục 1 kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Tài chính, Công thương, Công An, Giao Thông Vận tải, Khoa học và công nghệ

- UBND các tỉnh Hà nội, Quảng trị;

- Hội đồng nhân dân TP Hải phòng

- Trung tâm thông tin kinh tế (Để đăng tải lên Website)

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2017 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của Bộ Kế hoach và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của Bộ Tài Chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2017 của một số bộ, nhành, địa phương khác (Tải về)