Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2017

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2047/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 2/2017

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2017

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2017 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH TRONG THÁNG 7/2017

  1. Bộ Giao thông Vận tải

1.1- Công văn số 7454/BGTVT-TC của Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị của Công ty TNHH SXTM Quốc Hưng về việc thu phí chưa hợp lý tại Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ đoạn Km14 - Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án BOT QL91) theo hướng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì làm viêc với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT và UBND các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và các cơ quan liên quan đến Dự án để thống nhất danh sách giảm giá tại trạm thu giá của Dự án BOT QL91 trình Bộ GTVT xem xét, quyết định, làm cơ sở để Nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định để áp dụng giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với Dự án BOT QL91. (trả lời công văn số 6266/VPCP-ĐMDN ngày 16/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.2- Công văn số 7394/BGTVT-VT ngày 7/7/2017 trả lời 4 kiến nghị của Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam liên quan đến Nghị định 146/2016/NĐ-CP quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển và Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

1.3- Công văn số 7408/BGTVT-KHCN ngày 7/7/2017 trả lời kiến nghị của Công ty TNHH W.K.K Việt Nam về vấn đề nhập khẩu thiết bị máy móc của tờ khai hải quan số 662/NDDT08 ngày 22/02/2013 theo hướng đồng ý với đề xuất của Công ty TNHH W.K.K Việt Nam tại Văn bản số 01/2017/WKK ngày 29/5/2017  “nhận lại các thiết bị này để tái xuất nhằm giảm bớt khó khăn tài chính”, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo miễn giảm chi phí lưu kho từ năm 2013 đến nay theo như kiến nghị. (trả lời công văn số 6161/VPCP-ĐMDN ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

 1.4- Công văn số 7841/BGTVT-KCHT ngày 17/7/2017 trả lời Công ty TNHH Cơ giới 79.1 về thủ tục, quy trình thực hiện đấu nối đường tránh TP Vinh, Nghệ An vào quốc lộ 1 (trả lời công văn số 6967/VPCP-ĐMDN ngày 5/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.5- Công văn số 7918/BGTVT-VT ngày 18/7/2017 trả lời Công ty TNHH Ảnh Việt Hopon-Hopoff Việt Nam (lần 2) về việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch  (trả lời công văn số 7003/VPCP-ĐMDN ngày 5/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.6- Công văn số 8104/BGTVT-KCHT ngày 27/7/2017 trả lời 2 kiến nghị của Công ty TNHH GLT về giới hạn tải trọng trục xe, giới hạn tổng trọng lượng xe được phép lưu hành trên đường bộ; về xử phạt hành chính đối với tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường (trả lời công văn số 6963/VPCP-ĐMDN ngày 5/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.7- Công văn số 8254/BGTVT-VT ngày 26/7/2017 trả lời 2 kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội gồm: Thẩm quyền quyết định giới hạn số lượng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ chở khách sử dụng hợp đồng điện tử và thẩm quyền  quy định kích thước, màu sắc, vị trí niêm yết biểu trung đối với loại xe dưới 9 chỗ chở khách sử dụng hợp đồng điện tử (trả lời công văn số 7548/VPCP-ĐMDN ngày 19/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

1.8- Công văn số 8205/BGTVT-KCHT ngày 25/7/2017 trả lời kiến nghị lần 2 của Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam liên quan đến việc xin được nhập khẩu xe tải, loại 60 tấn, nhãn hiệu Carrie chở xỉ tại nhà máy theo hướng xác định xe có dấu vêt mài, xóa tại vị trí đóng số khung nên là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định. (trả lời công văn số 7606/VPCP-V.I ngày 19/7/2017 và công văn số 6852/ VPCP-ĐMDN ngày 3/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

  1. Bộ Công Thương

2.1- Công văn số 6028/BCT-QLTT ngày 6/7/2017 trả lời kiến nghị của bà Hà Thị Thúy Liễu về một số nội dung chưa hợp lý của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu khí, kinh doanh xăng dầu, dầu khí theo hướng tiếp thu các kiến nghị để tiến hành rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đính chính Nghị định. (trả lời công văn số 6311/VPCP-ĐMDN ngày 22/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

2.2- Công văn số 6046/BCT-QLCT ngày 07/7/2017 trả lời kiến nghị của Công ty CP Que hàn Việt Đức về việc hoàn lại thuế tự vệ đối với thép dây cuộn nhập khẩu để làm tôi vật liệu hàn (trả lời công văn số 6356/VPCP-ĐMDN ngày 20/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

2.3- Công văn số 6332/BCT-CNNg ngày 17/7/2017 trả lời 2 kiến nghị của luật gia Trần Đình Thu góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô gồm: Không nên coi ô tô là hàng hóa thông thường và điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu theo hướng tiếp thu góp ý vào dự thảo Nghị định (trả lời công văn số 6168/VPCP-ĐMDN ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

2.4- Công văn số 6379/BCT-QLCT ngày 18/7/2017 trả lời 3 kiến nghị của Công ty CP Thiên Nam gồm: cho phép công ty sử dụng bãi thải ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; niêm yết công khai nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá thành vật liệu đầu vào của vật liệu xây dựng và việc cung cấp vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cho các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (trả lời công văn số 35/TN ngày 20/6/2017 của Công ty CP Thiên Nam).

2.5- Công văn số 6435/BCT-HC ngày 19/7/2017 trả lời 2 kiến nghị của ông Nguyễn Bảo Trị - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sheng Chang về quy định pháp luật và chính sách quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý thị trường đối với mặt hàng ắc quy chuyên dụng cho xe đạp điện, xe máy điện (trả lời công văn số 6591/VPCP-ĐMDN ngày 26/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

2.6- Công văn số 6606/BCT-XNK ngày 25/7/2017 của Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Cannon Marketing Việt Nam(trả lời công văn số 7362/VPCP-ĐMDN ngày 25/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

  1. Bộ Tài Chính

3.1- Công văn số 9364/BTC-QLCS ngày 18/7/2017, trả lời kiến nghị của Công ty CP Đầu tư và phát triển Gia Bảo, Công ty CP Chống ùn tắc giao thông Quốc tế, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách về việc xem xét sửa đổi một số điều tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 183/2015/TT-BTC. (trả lời công văn số 6068/VPCP-ĐMDN ngày 12/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

3.2- Công văn số 9876/BTC-TCDN trả lời ông Huỳnh Quãng ngày 26/7/2017 hướng dẫn cụ thể trường hợp những khoản nợ khó đòi mà sau khi doanh nghiệp đã khởi kiện có bản án/quyết định của tòa án tuyên buộc khách hàng phải trả nợ, nhưng không thể thi hành án được,. (trả lời công văn số  6965/VPCP-ĐMDN ngày 5/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

3.3- Công văn số 3373/TCT-TTr ngày 28/7/2017 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của ông Nguyễn Bảo Trị - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sheng Chang về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty sản xuất ác quy trong nước trong công tác quản lý thuế (trả lời công văn số 6591/VPCP-ĐMDN ngày 26/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

  1. Bộ Xây dựng

4.1- Công văn số 1579/BXD-VLXD ngày 14/7/2017 trả lời kiến nghị của Công ty CP Thiên Nam về việc tránh thất thu thuế, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường với nội dung: Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các địa phương đề nghị hạn chế khai thác cát địa phương và đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên. Bộ Xây dựng cũng ủng hộ và khuyến khích dự án sản xuất cát nghiền từ đá, cát kết thải từ hoạt động khai thác than của công ty Thiên Nam. (trả lời công văn số 6700/VPCP-ĐMDN ngày 28/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

4.2- Công văn số 71/BXD-KTXD ngày 28/7/2017 trả lời kiến nghị của ông Lâm Vũ Bảo về sử dụng chi phí dự phòng trong dự án đầu tư xây dựng. (trả lời công văn số 6846/VPCP-ĐMDN ngày 3/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

  1. Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng

5.1- Công văn số 4003/UBND- KTĐN ngày 7/7/2017 trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần công nghiệp tầu thủy và xây dựng Hồng Bàng về việc ký lại hợp đồng thuê 16.140,0 m2 đất tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng theo hướng thành phố sẽ thu hồi lại đất theo quy định của pháp luật do dự án liên doanh với nước ngoài của công ty làm ăn thua lỗ,không hoạt động, đã tạm đóng mã số thuế. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cũng đã có công văn yêu cầu thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư và thanh lý dự án đầu tư (trả lời công văn số 5685/VPCP-ĐMDN ngày 1/6/2017 của Văn phòng Chính phủ).

5.2- Công văn số 4228/UBND- GT ngày 17/7/2017 trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng về việc điều chuyển, sắp xếp các luồng, tuyến, phương tiện vận tải tại Bến xe Tam Bạc, Bến xe Thượng Lý, TP Hải Phòng. (theo phiếu chuyển số 559/PC-VPCP ngày 13/6/2017 của Văn phòng Chính phủ)

  1. Một số bộ, ngành, địa phương khác:

6.1- Công văn số 5408/BKHĐT-PTDN ngày 04/7/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của Công ty CP TM-XNK & Công nghệ chống giả Homart TP. Hồ Chí Minh về Đề án xây dựng chuỗi siêu thị của công ty nhằm mục tiêu phát triển môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. (trả lời công văn số 5804/VPCP-ĐMDN ngày 5/6/2017 của Văn phòng Chính phủ)

6.2- Công văn số 4148/BYT-KHTC ngày 24/7/2017 của Bộ Y tế trả lời 4 kiến nghị của các tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham về: Trang thiết bị y tế và sinh phẩm chuẩn đoán; Thiết lập một Diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương để định hướng chính sách nhằm phát triển Việt Nam trở thành trung tâm dược phẩm phát minh và chất lượng cao trong khu vực Asean; Gỡ bỏ các giấy phép con, đơn giản hóa khâu tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm về thực phẩm dinh dưỡng quy định trong Nghị định 38 đối với thực phẩm dinh dưỡng; Chính sách thuế tiêu thu đặc biệt với rượu vang và rượu mạnh và sản phẩm rượu bia nói chung. (trả lời công văn số 5406/VPCP-ĐMDN ngày 25/5/2017 của Văn phòng Chính phủ)

6.3- Công văn số 5684/NHNN-QLNH ngày 19/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời kiến nghị của bà Nguyễn Hồng Nhung liên quan đêan tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. (trả lời công văn số 7060/VPCP-ĐMDN ngày 19/7/2017 của Văn phòng Chính phủ)

6.4- Công văn số 2418/BTP-PLQT ngày 12/7/2017 của Bộ Tư pháp thông báo trả lời Đơn của Công ty cổ phần TRADE B.G.M liên quan đến việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cấp giấy phép đầu tư lần thứ 5 ngày 13/3/2017 cho Công ty TNHH Kaolin Quảng Bình theo hướng chuyển đơn đến Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng hiện đang thụ lý, giải quyết vụ việc của công ty.

- Công văn số 1144/UBND-KTN ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần TRADE B.G.M với nội dung: Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng đã có Quyết định phúc thẩm công nhận và cho thi hành Quyết định MSPH 93 INS 4348 ngày 22/7/2015 của Tòa án nhân dân TP Praha, Cộng hòa Sec tuyên bố về tình trạng phá sản của Công ty cổ phần TRADE B.G.M. Ngày 6/6/2017, đại diện theo ủy quyền của ông Josef Cupka ( Quản tài viên được Tòa án TP Praha chỉ định  để xử lý tài sản của Công ty cổ phần TRADE B.G.M  tại Công ty TNHH Kaolin Quảng Bình) đã tiến hành tiếp quản nhà máy Kaolin Quảng Bình – Bohemia theo Quyết định của Tòa án TP Praha.

6.5- Công văn số 1396/ĐTKDV-ĐT3 của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngày 17/7/2017 trả lời kiến nghị của bà Võ Thị Mai Nhung  đề nghị hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của SCIC tại công ty cổ phần xây dựng giao thông Quảng Ngãi (trả lời công văn số 6849/VPCP-ĐMDN ngày 17/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

6.6- Công văn số 2094/UBND-XD ngày 6/7/2017 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý kiến nghị của công ty cổ phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật Phương Đông về số tiền khoảng 56 tỷ đồng Công ty cho rằng Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tuyên Quang còn nợ công ty và đề nghị điều chỉnh giá vật liệu, nhân công, máy xây dựng. Theo công văn trên thì Chủ đầu tư không nợ nhà thầu số tiền khoảng 56 tỷ. (trả lời công văn số 6265/VPCP-ĐMDN ngày 16/6/2017 và Văn bản số 6955/VPCP-V.I ngày 5/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

  1. Trả lời kiến nghị VCCI tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ tháng 5 và 6/2017:

Trong tháng 5/2017, VCCI tập hợp 24 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi Văn phòng Chính phủ. Ngày 23/6/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6544/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, giải quyết. Cho đến hết 31/7/2017, VCCI nhận được các văn bản trả lời như sau:

  1. Công văn số 1870/LĐTBXH-LĐTL của Bộ Lao động Thương binh và xã hội ngày 16/5/2017 trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản về mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp năm 2018.
  2. Công văn số 2972/TCT-CS ngày 6/7/2017 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tra lời kiến nghị của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng ở Nghệ An về việc hoàn thuế VAT, tuy nhiên nội dung câu trả lời chỉ giải thích pháp luật mà không trả lời thẳng vào kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
  3. Công văn số 6471/VP-KT ngày 11/7/2017 của Văn phòng UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản giao Cục thuế Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời 2 kiến nghị của doanh nghiệp trước 15/7/2017. Tuy nhiên, hiện nay VCCI chưa nhận được văn bản trả lời.
  4. Công văn số 1218/UBND-KTN ngày 11/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình trả lời kiến nghị của Tổng công ty Sông Đà về việc mất trật tự an ninh, an toàn tại dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang.
  5. Công văn số 3086/TCT-DNL ngày 12/7/2017 của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính đã trả lời kiến nghị về khó khăn của Tổng công ty Sông Đà khi phải đóng đầy đủ thuế VAT ngay sau khi xuất hóa đơn tài chính trong khi chủ đầu tư chậm thanh toán.
  6. Công văn số 5804/NHNN-VP ngày 25/7/2017 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trả lời 2 kiến nghị của doanh nghiệp gồm:

- Kiến nghị của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

- Kiến nghị của nhóm doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng về việc doanh nghiệp kinh doanh khách sạn khó tiếp cận vốn ngân hàng do tác động của Quyết định 53/QĐ-NHNN ngày 15/11/2013.

  1. Công văn số 2784/BNG-THKT ngày 27/7/2017 của Bộ Ngoại giao trả lời 2 kiến nghị của Tổng công ty Sông Đà về đầu tư sang Lào và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án ở nước ngoài.
  2. Công văn số 10055/BTC-QLG ngày 31/7/2017 của Bộ Tài Chính trả lời kiến nghị của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam về điều tiết khung giá phí dịch vụ hàng không.

Như vậy, hết ngày 31/7/2017, VCCI nhận được 8 văn bản trả lời 9 kiến nghị của các doanh nghiệp. Các văn bản trả lời kiến nghị này đều được đăng tải trên Website của VCCI và chuyển tải đến doanh nghiệp kiến nghị. Còn 15 kiến nghị chưa nhận được văn bản trả lời.

Trong tháng 6/2017, VCCI tập hợp 12 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi Văn phòng Chính phủ (Báo cáo số 1680/PTM-VP ngày 14/7/2017 của VCCI). Ngày 1/8/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 8014/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, giải quyết. Cho đến hết 31/7/2017, VCCI mới nhận được 3 văn bản của Bộ GTVT và UNBD TP Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu trả lời doanh nghiệp nhưng chưa kiến nghị nào được trả lời.

Tháng 6, VCCI nhận được 99 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Cho đến nay còn 26 kiến nghị chưa được trả lời ( có danh sách kèm theo). Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời cho doanh nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương khi trả lời không thông báo cho VCCI nên gây khó khăn cho việc theo dõi tình hình giải quyết kiến nghị của VCCI.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 7  năm 2017, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp :

- Trong tháng, VCCI hoàn thành góp ý và tiếp tục góp ý các dự thảo: Luật thể dục thể thao; Nghị định thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về xuất khẩu gạo; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại; Thông tư sửa đổi Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đến năm 2020

 - Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm Phương pháp xây dựng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp quận/huyện, sở/ngành (DDCI), đồng thời chia sẻ thực tiễn tốt trong triển khai việc DDCI ở một số địa phương với sự tham gia của đại diện một số lãnh đạo cấp sở và Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước, Gia Lai. Hội thảo đã nghe và tập trung đánh giá, phân tích các thực tiễn triển khai đánh giá DDCI của Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, trong đó, có tỉnh do Hiệp hội doanh nghiệp thực hiện đánh giá như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; có tỉnh do một đơn vị cấp sở triển khai như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đa số các tỉnh do các đơn vị chủ trì trực tiếp thực hiện khảo sát, đánh giá nhưng có tỉnh lại thuê tư vấn độc lập triển khai khảo sát và xây dựng báo cáo như Quảng Ninh. Tuy khác nhau về mô hình triển khai đánh giá DDCI nhưng kết quả chung ở các tỉnh đã triển khai đánh giá DDCI là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự cải thiện rõ nét. Công tác hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh, chất lượng phục vụ doanh nghiệp của của các cơ quan chức năng được từng bước nâng cao hàng năm. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh nói chung tại các tỉnh này được cải thiện theo đúng tinh thần Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 35/NQ-CP  ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

- Tổ chức Hội thảo “Những chuyển biến nổi bật kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2017, xu hướng thay đổi trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo đánh giá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, cảng biển hạn chế. Cụ thể, trong những năm 2001-2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng là trên 10%, thì đến giai đoạn 2011-2015 chỉ còn khoảng trên 8% và năm 2016 giảm xuống dưới 7%. Đặc biệt, nền tảng tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL là nông nghiệp đã suy giảm rất mạnh. Trước năm 2014 tăng trưởng nông nghiệp vùng ĐBSCL vào khoảng 6%, thì mức tăng trong thời gian 2014-2015 còn 3% và năm 2016 chỉ còn 0,6%. Mặt khác, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng khá yếu kém. Với 40.000 km2 của vùng ĐBSCL nhưng chỉ có 40 km đường cao tốc đã hình thành cách nay 10 năm và trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay chưa có thay đổi đáng kể nào về xây dựng đường cao tốc. Yếu kém giao thông, không có trung tâm logistics cấp vùng đủ lớn đã làm cho sức cạnh tranh quốc tế đối với sản phẩm của vùng yếu hơn rất nhiều; không hỗ trợ được cho những ngành, dịch vụ mới và chắc chắn cũng gây hạn chế rất nhiều trong phát triển ngành thương mại điện tử, vốn đang là xu thế của quốc tế. Để giải quyết những thách thức được nêu ra ở trên, Hội thảo đánh giá cần phải có nguồn lực về tài chính đủ mạnh đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cho ĐBSCL trong 20 năm qua luôn ở mức thấp nhất so với 5 vùng kinh tế còn lại của cả nước, gồm Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. Vì vậy, Hội thảo cũng khuyến nghị cần phải có quá trình vận động chính sách để thấy rằng ĐBSCL phải được nguồn lực cho phát triển lớn hơn so với hiện tại.

- Tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động hậu PCI: Hội thảo chẩn đoán PCI tại tỉnh Ninh Thuận; Cao Bằng...

+ Tổ chức khóa tập huấn về việc: Khai thác, sử dụng PCI và các dữ liệu điều tra trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh địa phương và xây dựng pháp luật

- Cập nhật thông tin và tư vấn về các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới và Việt Nam, cập nhật tình hình và đưa ra khuyến nghị liên quan đến đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA khác của Việt Nam (FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc….), RCEP.

- Thực hiện Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh:

+ VCCI đã gửi 02 đề xuất ý tưởng xin tài trợ từ quỹ Small Grant Fund của Mạng lưới Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN CSR Network) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từ Quỹ Thịnh vượng chung của Vương Quốc Anh về hướng tiếp cận mới hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nghiệp, đặc biệt tăng cường sự hợp tác của doanh nghiệp với Chính phủ về xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

+ Hoàn thiện đẩy đủ trang thông tin điện tử/ website (kdlc.vn) về hướng dẫn doanh nghiệp thực hành Bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng, một kênh thông tin trực tuyến cho phép người sử dụng tìm hiểu cách thức phòng ngừa rủi ro, tự nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp mà và tương tác chia sẻ ý kiến, các bài học kinh nghiệm về lợi ích khi tham gia phòng, ngừa tham nhũng và cái giá phải trả khi tiếp tay cho tham nhũng, hối lộ.

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai tổ chức khóa đào tạo về Bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các tỉnh.

+ Tham dự họp phiên thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 vào ngày 28/7/2017. Nhiều phương án tăng lương khác nhau được đưa ra để các bên cùng thảo luận. Hiệp hội da giày đề xuất phương án tăng 5% còn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra 2 đề xuất: thứ nhất là không tăng; thứ hai là tăng 4%. Quan điểm VCCI cho rằng, cần chia sẻ vì doanh nghiệp đang khó khăn, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử… Vì vậy, nếu cần thiết điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thì phải tăng phù hợp. Nếu tăng cao, nguy cơ doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng lao động, dẫn đến thất nghiệp nên VCCI đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 chỉ ở mức 1-2%. Trong khi đó, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng ít nhất phải hơn mức tăng của năm 2017 (7,3%), cụ thể là 8%. Hội đồng tiền lương sẽ tiếp tục họp lần thứ 3 để thảo luận, thống nhất mức tăng lương tối thiểu năm 2018.

- Phối hợp tổ chức hội nghị Phổ biến và đối thoại với doanh nghiệp về chính sách mới trong lĩnh vực thuế, hải quan 2017 tại tỉnh Lâm Đồng. Hơn 100 doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tham dự hội nghị. Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề về các chính sách thuế, hải quan, đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và thực tiễn áp dụng ở Lâm Đồng. Buổi đối thoại đã giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách của Nhà nước, đồng thời giúp cơ quan quản lý tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm, làm việc và dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại CHLB Đức và thăm chính thức Vương Quốc Hà Lan. Tại CHLB Đức, VCCI đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đức với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến của các doanh nghiệp Đức”, thu hút sự tham dự của hơn 650 đại diện doanh nghiệp sở tại. Tại Hà Lan, VCCI phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Hướng tới tương lai bền vững”, thu hút sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp sở tại. Hai diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong chuyến đi này của Thủ tướng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của doanh nhân nước sở tại trong quá trình tìm kiếm và phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực: Dầu khí, điện, dệt may, tài chính, ngân hàng, thương mại tổng hợp, giao nhận kho vận, dịch vụ và thiết bị y tế, xuất nhập khẩu tổng hợp, vật liệu và thiết bị điện, hàng tiêu dùng tổng hợp, du lịch, đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng …Tại các Diễn đàn, các doanh nghiệp Đức, Hà Lan đã được nghe giới thiệu về môi trường kinh doanh, và các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu về cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cũng tại các Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến nhiều thoả thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế giữa hai bên được ký kết, nhiều hợp đồng có giá trị lớn đến vài trăm triệu euro: Thỏa thuận đối tác chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Tập đoàn Trung Nam và Tập đoàn Enercon, Đức trị giá 800 triệu euro, trong 5 năm; Vietjet Air ký kết hợp đồng tài chính máy bay với Công ty cho thuê tàu bay CHLB Đức (GOAL German Operating Aircraft Leasing GmbH & Co.KG) cho 4 tàu bay A321CEO, trị giá 464 triệu USD; Hợp đồng dự án “Khu liên hợp xử lý rác thải và nhà máy điện rác tại thành phố Đà Nẵng” giữa công ty VIDEBRIDGE (nhịp cầu Việt Đức), Empire Group Đà Nẵng và nhóm Intec & Juvema; trị giá 214 triệu Euro, gồm 4 hợp đồng con; Hợp đồng Liên doanh giữa Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu công nghệ GEN TRO (GENTROTECH) với các đối tác WIBACON – BioVEE và MAC thành lập liên doanh xây dựng nhà máy xử lý rác thải 2000 tấn ngày đêm tại xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, trị giá 282 triệu EURO;  Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần hóa chất nhựa và Công ty Starlinger & Co. GmbH của Đức về việc cung cấp đồng bộ các dây chuyền sản xuất bạt công nghiệp và vải địa kỹ thuật cho các nhà máy tập đoàn Plaschem, trị giá 80,5 triệu Euro; Thỏa thuận ghi nhớ về nông nghiệp công nghệ cao với Tập đoàn AGRIMENT (Hà Lan) trị giá 20 triệu USD…

- Phối hợp với Hội đồng Kinh tế Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) và Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ 2017 trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tham dự buổi gặp gỡ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực là du lịch, vật liệu xây dựng, thực phẩm, hoá chất, năng lượng, cơ sở hạ tầng, bao bì đóng gói, dịch vụ kho bãi, phụ tùng... nhằm tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tìm kiếm các đối tác Việt Nam hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đại diện một số doanh nghiệp hai bên đã trực tiếp trao đổi thông tin về tiềm năng hợp tác cũng như nhu cầu mở rộng thị trường. Một số ngành hàng khác như nông sản, hàng dệt may, dây chuyền chế biến hàng tiêu dùng… cũng được doanh nghiệp hai bên quan tâm, trao đổi thông tin và bàn thảo khả năng hợp tác.

- Tổ chức “Ngày hội kết nối doanh nghiệp” trong khuôn khổ đề án hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tham gia và phát triển mạng lưới liên kết trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Tham dự chương trình có hơn 300 DNNVV hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Thông qua giao lưu và kết nối, một số DNVVN cũng đã tiếp cận được các gói giải pháp tài chính cũng như gói cho vay lãi suất phù hợp từ ngân hàng cho các dự án đầu tư, kinh doanh của mình.

- Một số hoạt động khác: Tiếp tục triển khai các hoạt động chuẩn bị cho APEC 2017; Tổ chức hội thảo “Chất lượng dịch vụ và Chi phí kinh doanh trong hoạt động logistics quốc tế” (14/7); Tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực quản trị nhân sự cho các DNNVV trong chuỗi thủ công mỹ nghệ làng nghề (12/7); tổ chức Hội thảo kinh doanh với tỉnh Kanagawa, Nhật Bản (13/7); Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Đối thoại doanh nghiệp đồ dùng điện gia dụng Việt Nam – Trạm Giang Trung Quốc (19/7); Tổ chức buổi Ký biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam với VCCI tại TP.HCM (25/7); Tổ chức Hội nghị “ Vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ hội viên giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế” tại Bình Định; Tổ chức Hội nghị “Xây dựng nhãn hiệu và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thương mại: Vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp với các tổ chức hiệp hội”; Tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy khởi nghiệp và tái cơ cấu doanh nghiệp: Từ định hướng của Nhà nước đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp”...

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 7 năm 2017, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Ngoài ra, VCCI còn tập hợp theo dõi các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển cũng như tổng hợp tình hình giải quyết các kiến nghị này của các bộ, ngành, địa phương. Bảng tổng hợp ở Phụ lục 2 và 3 kèm theo báo cáo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- UBND các tỉnh Lạng Sơn, Tiền Giang;

- Lưu VT, VP (TH).   

 

 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2017 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ Công Thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ tài Chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ Xây Dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của UBND TP Hải Phòng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Ngân hàng Nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Bộ tư Pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của UBND Tỉnh Quảng Bình (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của Tổng CT KD vồn Nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 7/2017 của UBND Tuyên Quang (Tải về)