Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2017

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1389/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2017

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2017

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5 năm 2017 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA CÁC BỘ NGÀNH

  1. Văn phòng chính phủ

1.1. Công văn số 5036/VPCP-KTTH ngày 16/5/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng như sau:

-  Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp và trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tại kỳ họp gần nhất để cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật phí, lệ phí và pháp luật khác có liên quan, phù hợp với khả năng đóng góp và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam theo như chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 và số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016.

-  Bộ Tài chính:

  1. a) Thường xuyên theo dõi, giám sát các địa phương trong ban hành quy định về phí và lệ phí; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong qua trình thực hiện.
  2. b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức họp báo, cung cấp các tài liệu, báo cáo về chính sách và việc thực hiện các quy định của pháp luật phí và lệ phí kịp thời, đầy đủ đến các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi tới doanh nghiệp và người dân.

-  Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong thông tin, tuyên truyền về chính sách phí và lệ phí nói chung và chính sách thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu nói riêng, bảo đảm đúng với quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

1.2. Công văn số 4997/VCCP-V.I ngày 16/5/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán như sau ( đây là lĩnh vực nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp trong năm 2016 và đầu năm 2017):

- Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/5/2017 (Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị này vào ngày 17/5/2017).

- Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa dổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh kiểm tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2017.

  1. Bộ Tài nguyên và môi trường

Trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang yêu cầu hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cho thuê mặt nước vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Ngày 09/3/2017, Bộ Tài nguyên và môi trường đã gửi Công văn số 1038/BTNMT-TNN, thông báo đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc Tổng cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang yêu cầu hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cho thuê mặt nước vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo Công văn thông báo, ngày 20/12/2016, Tổng cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và môi trường đã trả lời Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang về vấn đề này trong Công văn số 2572/TCQLĐĐ-CQHĐĐ của Tổng cục và đề nghị Hiệp hội liên hệ với Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tuyên Quang để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

  1. 3. UBND tỉnh Thái Nguyên

Trả lời kiến nghị của Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu SIAAI về việc thu hồi đất của UBND Thị xã Phổ Yên.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã gửi Công văn số 1778/UBND-CNN, ngày 10/5/2017, trả lời kiến nghị của Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu SIAAI. Nội dung trả lời như sau:

Về Quyết định thu hồi đất của UBND thị xã Phổ Yên, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định Quyết định không vi phạm hợp đồng thỏa thuận đầu tư ký ngày 14/12/2009 do đây là dự án thu hồi đất để phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh. Việc UBND thị xã Phổ Yên ban hành Quyết định thu hồi đất năm 2016 là yếu tố khách quan, không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, do vậy Công ty SIAAI cho rằng các cơ quan hành chính can thiệp phá vỡ hợp đồng là không có cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ủy quyền cho UBND thị xã Phổ Yên thực hiện đúng và đầy đủ trình tự thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tại khu vực dự án.

Công văn của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết: Đến nay, Công ty SIAAI đang phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban Quản lý dự án thị xã Phổ Yên về việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định. UBND thị xã Phổ Yên không nhận được các ý kiến thắc mắc và khiếu nại gì liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của Công ty SIAAI.

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 2 theo nội dung công văn số 98/CTCPQLĐS2-KD ngày 15/3/2017 về định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa

Công văn số 2641/ BKHĐT – PTDN cho rằng nội dung kiến nghị của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 2 liên quan tới quy định về định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định 56/2009/NĐ-CP) nhằm góp ý để nghiên cứu hoàn chỉnh chính sách. Vì vậy, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đề xuất thảo luận, nghiên cứu để làm rõ và quy định phù hợp về định nghĩa và các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn (được dự thảo, hoàn thiện sau khi Luật được ban hành), Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đánh giá cao ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sẽ xem xét các kiến nghị này để tổng hợp, nghiên cứu phục vụ công tác soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  1. Bộ Y tế

Công văn số 6677/QLD- KD của Cục quản lý dược, Bộ Y tế trả lời về việc phải tiêu hủy 20.000 viên thuốc Tasigna điều trị ung thư vì hết hạn dùng do thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền bị chậm trễ như sau:

  1. Ngay khi nhận được thông tin, Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn số 6110/QLD-KD gửi Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu báo cáo dự việc trên. Đồng thời, Cục Quản lý Dược có công văn gửi Công ty Novartis yêu cầu báo cáo và trách nhiệm của đơn vị về sự việc nêu trên.
  2. Rà soát quy trình làm việc tại Cục Quản lý Dược đối với thuốc viện trợ Tasigna, thấy quy trình, thời gian thực hiện cấp phép nhập khẩu đã đáp ứng quy định Thông tư 47/2010/TT-BYT là 15 ngày làm việc, cụ thể:
  3. a) Trong vòng 10 ngày làm việc (từ 28/11 – 12/12/2013), Cục Quản lý Dược đã có công văn số 20956/QLD-KD yêu cầu phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận viện trợ của Bệnh viện TMHH Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. b) Trong vòng 10 ngày làm việc (từ 01/07 - 12/12/2013), Cục Quản lý Dược đã có công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện nhận thuốc Tasigna từ Công ty Novartis. Công văn số 11978/QLD-KD có giá trị trong vòng 1 năm và đơn vị có thể nhập khẩu bất kỳ lô thuốc nào nếu đáp ứng đúng các quy định hiện hành và đúng với nội dung công văn số 11978/QLD-KD (bao gồm cả quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng).
  5. c) Trong vòng 4 ngày làm việc (từ 22/8-28/8/2014), Cục Quản lý Dược có Công văn 14735/QLD-KD đồng ý cho Bệnh viện tiếp nhận thuốc có hạn dùng dưới 12 tháng lô thuốc Tasigna số lô S0052A hạn dùng tháng 5/2015.
  6. Ngày 09/05/2017, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi Cục Quản lý Dược, báo cáo việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc viện trợ Tasigna, với nội dung ngày 08/05/2017, Sở đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc Bệnh viện và trách nhiệm của Sở Y tế, nhận thấy:
  7. a) Các phòng chức năng của Sở Y tế còn lúng túng dẫn đến chậm xử lý hồ sơ, cần phải rút kinh nghiệm
  8. b) Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc do việc lập trù không sát với thực tế, dẫn tới việc nhận 34.608 viên thuốc Tasigna nhưng chỉ sử dụng được 14.611 viên, để tồn hết hạn 19.997 viên.
  9. c) Bệnh viện nhận hỗ trợ nhưng không xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng là của bệnh viện hay của Công ty Novartis, do đó không có quyền quyết định chuyển thuốc cho các bệnh viện khác sử dụng khi sắp hết hạn
  10. d) Công ty Novartis có phần trách nhiệm trong việc tranh chấp các quy định về hoạt động dược và phối hợp với bệnh viện trong việc sử dụng và để cho thuốc hết hạn phải hủy gây ra lãng phí trong khi rất nhiều bệnh nhân khác không có đủ tiền để mua thuốc.
  11. e) Việc phối hợp giải quyết nhận viện trợ thuốc Tasigna của các Sở, Ban ngành của thành phố còn chậm chạp góp phần làm tăng thời gian chờ đợi của Bệnh viện.
  12. Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, kể cả công ty cung cấp thuốc Novartis tùy theo mức độ vi phạm gây ra.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 5  năm 2017, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

- Trong tháng, VCCI hoàn thành góp ý và tiếp tục góp ý các dự thảo: Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Thông tư quy định chi tiết một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Góp ý đối với văn bản của Bộ Công thương về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Ý kiến đối với báo cáo của Bộ tài chính về việc phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng....

 - VCCI phối hợp Văn phòng chính phủ, Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017 với chủ đề “ Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 1 năm việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đồng thời, lãnh đạo Chính phủ lắng nghe các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Ngay trước thềm hội nghị, VCCI đã tổng hợp gần 200 kiến nghị cụ thể liên quan đến 5 nhóm vấn đề chính mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm kiến nghị gửi các bộ, ngành giải quyết. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến với 2.000 đại biểu doanh nghiệp trực tiếp tham dự hội nghị (gấp 4 lần năm 2016), trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu; qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã trình bày một số nét chính về kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và các nhóm kiến nghị của doanh nghiệp. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng đã chủ trì họp Chính phủ nhằm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp và thảo luận Chỉ thị của Thủ tướng sau Hội nghị nhằm đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 35. Đây là hội nghị quy tụ lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất từ trước tới nay, diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Tại hội nghị này, Trung ương đã ra 3 Nghị quyết: Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

- Phối hợp với Bộ Công Thương (Cục Quản lý Cạnh tranh) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) tại Hà Nội (10/5), Đà Nẵng (11/5/2017) và Tp. Hồ Chí Minh (12/5). Luật Cạnh tranh sau khi được ban hành năm 2005 đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, luật này đã và đang bộc lộ rõ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với bối cảnh mới. Trong đó, phải kể đến những hạn chế cơ bản như vấn đề xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, từ hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền đến việc tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan... Vì vậy, yêu cầu sửa đổi Luật Cạnh tranh được đặt ra cấp bách, vừa khắc phục những hạn chế, vừa phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, toàn cầu hóa nền kinh tế. Tại các hội thảo, các quy định trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được đem ra bàn luận khá sôi nổi tập trung vào các vấn đề gồm: Quản lý bằng công cụ hành chính hay cạnh tranh; Phương thức để doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình khi cơ quan nhà nước ban hành chính sách tác động lớn đến môi trường cạnh tranh; việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng; tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật và Nhà nước phải đảm bảo vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường… Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng luật sửa đổi cần vừa phải cụ thể, vừa bao quát trong việc xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, quy định rộng hơn về thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu của doanh nghiệp, cần làm rõ hơn thuật ngữ "đối thủ cạnh tranh" tại luật thay vì xác định tại nghị định hay thông tư...

- Tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động hậu Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Hội thảo chẩn đoán PCI tại tỉnh Sơn La (31/5).

- Tiếp tục theo dõi và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đại diện giới sử dụng lao động cho các chi nhánh VCCI ở địa phương, các Hội đồng người sử dụng lao động tại các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương khi tham gia vào cơ chế ba bên quan hệ lao động, đặc biệt là tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và các vụ lãn công, đình công không theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai tổ chức khóa đào tạo về Bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các tỉnh.

+ Tổ chức Hội thảo trao đổi về phương án của Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018 vào 23/5/2017 tại Hà Nội. Hội thảo đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ có tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành dệt may, thuỷ sản và da giày. Đây là các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, có mức tăng trưởng thấp cho nên một mức chi phí tăng lên dù nhỏ cũng làm cho các doanh nghiệp này thêm khó khăn. Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, bao gồm cả 2017 với mức tăng 7,3 % thì bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và mức tăng khoảng 15% với doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, việc tăng lương tối thiểu trong mối tương quan với GDP và CPI là không đúng quy luật của thế giới do mức tăng lương tối thiểu cao hơn tăng trưởng GDP và tăng CPI. Năm 2017, trong khi mức tăng lương tối thiểu vùng lên đến 7,3% thì mục tiêu tăng trưởng GDP lại ở mức 6,7%, CPI khoảng 4%. Đặc biệt, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức lớn bởi tăng trưởng quý I/2017 hiện chỉ đạt 5,1%. Vì vậy, nhiều hiệp hội kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018, hoặc ít nhất là dừng lại 1 năm, có thể là 2 năm tăng một lần, để doanh nghiệp có thời gian và chi phí chuẩn bị cho việc tăng lương và có sự ổn định nhất định để quy hoạch phát triển. Nếu buộc phải tăng thì chỉ tăng tối đa bằng mức của CPI năm 2017

- Tổ chức một số hoạt động khác như: Hội thảo: Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội (Hà Nội – 24/5); Tổ chức Hội nghị” Hội nhập kinh tế quốc tế” (Đà Nẵng); Tổ chức Hội nghị ”Đối thoại về các chính sách lao động, ATVSLĐ và BHXH” (TP Hồ Chí Minh – 26/5); Tổ chức tập huấn ” Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: cập nhật về Công ước CISG và những lưu ý để phòng tránh rủi ro” (TP Hồ Chí Minh – 12/5)...

  1. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp:

- VCCI phối hợp với Phòng Thương mại Mỹ (Amcharm) tổ chức Hội thảo “Tương lai quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu chào mừng cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Hội thảo được kỳ vọng là cầu nối để Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành luận bàn việc mở rộng thương mại và đầu tư trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Hiện nay, Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cạnh tranh minh bạch và công bằng giữa các thành phần kinh tế, định hướng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững thông qua 3 đột phá về hoàn thiện thể chế, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong những năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư Việt – Mỹ đã đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt trên 47 tỷ USD. Việt Nam duy trì được vị thế xuất siêu sang thị trường Mỹ, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 8,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn FDI đăng ký của Mỹ vào Việt Nam đạt mức 140 triệu USD trong vòng 10 tháng, xếp thứ 15 trong các nước và vùng lãnh thổ. Đây là những tín hiệu tích cực mở ra kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, Chính phủ hai quốc gia đang không ngừng nỗ lực để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại song phương hai nước, trong đó có triển vọng của Hiệp định thương mại tự do song phương. Cũng tại Hội Nghị, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cùng ông Michael Kelly, Phó chủ tịch AmCham Hà Nội và bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cấp cao Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ đã ký biên bản ghi nhớ về xúc tiến các hoạt động thuận lợi hoá thương mại.

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ từ ngày 7-10/5 và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 27 tại Nhật Bản từ ngày 10-16/5/2017.  Đoàn gồm 56 đại biểu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tập trung ở các lĩnh vực sản xuất và chế biến nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống (bánh, kẹo, trà, cà phê...); Sản xuất và gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giầy; Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; sản xuất, kinh doanh dược phẩm; Tái chế chất thải công nghiệp và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ… đang có quan hệ hợp tác kinh doanh hoặc có nhu câu mở rộng hợp tác kinh doanh với thị trường Mông Cổ và Nhật Bản. 

+ Tại Mông Cổ, từ ngày 7-10/5/2017, VCCI  đã phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Mông Cổ (MONEF) và Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức Chương trình gặp gỡ Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ. Tham dự và chủ trì chương trình có Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện các bộ, ngành hai nước cùng với 80 doanh nghiệp hai nước. Tại Chương trình gặp gỡ, các doanh  nghiệp Mông cổ bày tỏ quan tâm đến hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và chế biến Lông, da; sản xuất và chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt; Tuy  nhiên, sắp tới cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để có thể trao đổi, xuất nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm (thịt, sản phẩm từ thịt..). Bên cạnh đó, phía bạn đánh giá thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm mà Mông Cổ có thế mạnh vì Việt Nam cũng có khí hậu lạnh, phù hợp với các sản phẩm như áo ấm, da giầy của Mông Cổ; đồng thời có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai thác than, dầu mỏ…Các doanh nghiệp cũng mong muốn hai nước sớm xây dựng đường bay thẳng để thuận tiện cho việc giao dịch và vận chuyển hàng hóa.

+Tại Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 11-13/05/2017, đoàn doanh nghiệp tháp tùng Phó Chủ tịch nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 27 với chủ đề “Thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cách tiếp cận”. Qua các phiên họp và thảo luận, các thành viên đoàn doanh nghiệp đã học tập kinh nghiệm, bài học thành công trong kinh doanh cũng như chia sẻ thông tin với các đại biểu quốc tế liên quan đến các chủ đề: kỹ năng lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, thúc đẩy vai trò lãnh đạo doanh nghiệp của phụ nữ, ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp, tiếp cận giáo dục và thị trường lao động đối với phụ nữ. Bên cạnh các hoạt động chính trong khuôn khổ hội nghị, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức e khu trưng bày sản phẩm và đây cũng là khu trưng bày lớn nhất từ trước đến nay. Khu trưng bày hàng Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự hội nghị với các sản phẩm mang thương hiệu Việt như: sữa và các sản phẩm nông sản của tập đoàn TH; Aó dài truyền thống Peony; Nến và các sản phẩm thảo dược; Trang sức ngọc trai Hoàng Gia.

VCCI đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức Chương trình gặp gỡ Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Đến sự tham dự và chủ trì chương trình có Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện các cơ quan chức năng 2 nước và hơn 180 đại biểu doanh nghiệp hai nước. Kết thúc phần trình bày của đại diện hai nước, phần hỏi đáp về chính sách và môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm, chú ý của các doanh nghiệp bạn, đặc biệt về nội dung tiêu chuẩn hàng nông sản, quản lý chất lượng nông sản ở Việt Nam; Xuất khẩu lao động; Về du học sinh hai nước;  Và xuất khẩu trang thiết bị y tế vào thị trường Việt Nam.

+ Tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. VCCI  đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fu-ku-o-ka và Tổ chức Xúc tiến quốc tế hóa kinh tế Kyushu để tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Kyushu . Tham dự và và chủ trì chương trình có Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo tỉnh Fukuoka, đại diện một số cơ quan chức năng hai nước cùng với hơn 120 doanh nghiệp hai nước. Với sự đón tiếp nồng hậu, chân tình của nước bạn, Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Kyushu đã diễn ra thành công tốt đẹp với phiên hỏi đáp về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh hai nước và chương trình kết nối kinh doanh để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu đối tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư về các lĩnh vực nông nghiệp, nông sản thực phẩm, giáo dục đào tạo, trang thiết bị y tế, may mặc

-  Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức gặp gỡ giữa các Hiệp hội doanh nghiệp với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm nhằm trao đổi về các vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh doanh với thị trường các nước. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ,  kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan này không chỉ có nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao văn hóa mà mục tiêu kết nối giao thương phát triển kinh tế cũng rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai phá thị trường mới. Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp đã đề xuất một số vấn đề với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như: thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam; định kỳ tổ chức gặp gỡ xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường bản xứ; quảng bá về năng lực sản xuất phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam…

- VCCI phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức cuộc thi “Doanh nhân tập sự 2017 - Kỹ năng nghề nghiệp thế kỷ 21” nhằm nâng cao kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối DNNVV. Ban Tổ chức đã lựa chọn được 3 thí sinh xuất sắc nhất lần lượt trao giải nhất, nhì, ba trong số 6 thí sinh tham dự được lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi “Doanh nhân tập sự 2017 - Kỹ năng nghề nghiệp thế kỷ 21” nằm trong khuôn khổ dự án “YouthSpark Career Readiness” với mong muốn ngày càng nâng cao kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên đồng thời kết nối với DNNVV. Dự án ngoài việc mang đến cho thanh niên cơ hội tìm hiểu và thực hành trong môi trường lao động của các DNNVV thông qua chương trình đào tạo các kỹ năng làm việc, công nghệ thông tin, khoa học máy tính và kỹ năng kinh doanh thì còn được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp hoặc muốn khởi sự kinh doanh. Đặc biệt Dự án còn hỗ trợ DNNVV về những kiến thức quản lý kinh doanh nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả công việc kinh doanh.

- VCCI phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thương mại và Sáng tạo APEC trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Hội nghị cũng nhằm tạo ra cơ hội đối thoại cởi mở thẳng thắn giữa các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC với đại diện giới doanh nghiệp về thúc đẩy thương mại và sáng tạo cũng như xem xét các hoạt động APEC có thể tiến hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng đổi mới sáng tạo trong khu vực. Trong khuôn khổ Hội nghị đã tổ chức Lễ trao giải thưởng cho Cuộc thi Phát triển Ứng dụng dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nhằm tôn vinh sự sáng tạo của doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển thương mại và nâng cao cơ hội xuất khẩu cho các DNVVN. Đây là cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cũng đưa ra các khuyến nghị với các Bộ trưởng APEC trong lĩnh vực thương mại đổi mới và sáng tạo.

- Một số hoạt động khác: Tiếp tục các công tác tổ chức APEC CEO Summit 2017; Tiếp tục triển khai các hoạt động chuẩn bị cho APEC 2017 tại Đà Nẵng; Tổ chức giao lưu cộng đồng doanh nghiệp nhân chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn doanh nhân Cấp cao Hồng Kông và Thượng Hải; Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Tham dự hội chợ quốc tế về Thương mại và Công nghiệp tại Bờ Biển Ngà, Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hoà Séc; Tổ chức hội thảo Giới thiệu Công nghệ Ứng dụng mới nhất trên Creo 4.0 ( Hà Nội 12/5 và TP Hồ Chí Minh 10/5); Tổ chức hội thảo hướng dẫn nghiệp vụ hải quan cho doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu...

  1. Tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp:

Trong tháng 5 năm 2017, VCCI tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị mới phát sinh của doanh nghiệp. Danh mục các kiến nghị mới phát sinh được trình bày tại Phụ lục kèm theo.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng.

         

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Bộ Giao thông Vận tải;

- Bộ Xây dựng;

- Bộ Tài chính;

- Bộ Công Thương;

- Bộ LĐTB và Xã hội;

- Bộ Ngoại giao;

- Bộ Quốc phòng;

- Ngân hàng Nhà nước

- UBND tỉnh Hà Tĩnh, Lào Cai;

- Lưu VT, VP (TH).   

 

 

 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2017 (Tải về).

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Giao Thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của UBND Thành phố Hải Phòng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của NHNH (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của UBND Tỉnh Phú Yên (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2017 của Bảo hiểm XHVN (Tải về)